"Nghỉ hưu?" Xia Zengming bật cười khi nghe ai đó hỏi về kế hoạch dưỡng già của mình. "Khái niệm này không tồn tại ở quê hương tôi", ông nói.
Người đàn ông 66 tuổi làm nghề thi công trang trí nội thất ở Thượng Hải. Đây là công việc cần sức lực bởi Xia thường làm việc hơn 12 giờ một ngày, vác những viên gạch và tấm gỗ nặng trong căn hộ bụi bặm chưa hoàn thiện. Để tiết kiệm, Xia ngủ luôn trong đó. Ông biết không thể duy trì công việc này được lâu nữa, nhưng chẳng còn lựa chọn nào khác.
Hàng triệu người lao động nhập cư ở các thành thị Trung Quốc rơi vào hoàn cảnh giống Xia. Trong nhiều thập kỷ, họ là động lực tăng trưởng của nền kinh tế nhưng chẳng mấy ai tính đến tuổi già cho mình.
Tại các thành phố lớn, người lao động có thể đăng ký nghỉ hưu trước 60 tuổi với mức lương khá. Người về hưu ở Thượng Hải nhận tối thiểu 4.000 tệ (hơn 13 triệu đồng) mỗi tháng. Nhiều người có lương hưu lên tới 10.000 tệ (34 triệu đồng).
Tuy nhiên, lao động nhập cư thường nằm ngoài hệ thống đó. Họ được xếp loại là cư dân nông thôn, chỉ được hưởng các khoản an sinh xã hội ít ỏi, khó trang trải cuộc sống.
Ranh giới giữa nông thôn và thành thị tại Trung Quốc ngày càng lớn. Nghiên cứu năm 2019 do Đại học Bắc Kinh thực hiện cho thấy, khoảng 40% người cao niên ở thành thị có ý định tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu. Ở nông thôn, tỷ lệ này cao hơn nhiều, gần 80% nam giới trong độ tuổi 60-64 đang làm việc, thậm chí ở nhóm trên 80 tuổi, tỷ lệ đang làm việc lên tới 20%.
Với Trung Quốc, thực trạng này không hẳn xấu. Khi dân số già đi, người trẻ tránh công việc chân tay, lao động nhập cư quá tuổi nghỉ hưu ngày càng trở nên thiết yếu với nền kinh tế. Gần một nửa lực lượng lao động của nước này đã ngoài 40 tuổi.
Trong ngành của Xia, xu hướng thậm chí còn cực đoan hơn. Theo một báo cáo năm 2021, hơn 97% thợ trang trí nội thất là người nông thôn, phần lớn là trung niên hoặc cao tuổi. Những người sinh trong thập niên 1960 (trên 60 tuổi) đông nhất.
Những người như ông Xia đang đóng vai trò hỗ trợ ban đầu cho nền kinh tế, che đậy thực trạng thiếu hụt lao động. Nhưng đến một thời điểm họ sẽ phải ngừng làm việc. Khi đó, thế hệ tiếp theo gần như không thể chấp nhận những điều kiện lao động mà họ đã phải chịu đựng bấy lâu nay.
Theo Song Yueping, giáo sư tại Viện nghiên cứu Xã hội học và Dân số của Đại học Nhân dân Trung Quốc, những người sẵn sàng ở lại thị trường việc làm lâu nhất lại chính là người có thu nhập thấp và ít học hơn. Họ tiếp tục làm việc để mưu sinh chứ không phải vì thành tựu sự nghiệp. Hầu hết những người có học vấn cao hơn, công việc ổn định đều nghỉ hưu ngay khi đủ tuổi.
Quê hương của Xia nằm cách Thượng Hải khoảng 250 km. Hầu hết người dân địa phương không bao giờ nghĩ đến việc nghỉ hưu. Đa số đi Thượng Hải làm nghề thi công nội thất, những người quá già ở lại làng làm ruộng.
Xia đã làm thuê cho nhiều nhà thầu và chủ doanh nghiệp nhỏ với tư cách là một lao động tự do bởi giới chủ không muốn thuê lao động nhập cư theo hợp đồng chính thức bởi phải trả thêm bảo hiểm, trợ cấp lương hưu, y tế và các lợi ích khác.
Không có hợp đồng lao động, vợ chồng Xia không thể tích lũy lương hưu. Ông từng đóng 300 tệ mỗi tháng cho an sinh xã hội, trong khi vợ ông phải trả gấp đôi. Nhưng điều đó chỉ cho phép họ nhận được mức lương hưu 300 tệ mỗi tháng.
Hiện tại, họ vẫn làm việc với cường độ điên cuồng. Mỗi sáng, Xia bắt đầu làm việc lúc 7h, đi ngủ lúc 21h và kiếm được gần 20.000 tệ mỗi tháng.
Công việc của Xia cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ chấn thương. Đối với lao động nhập cư, một chấn thương nghiêm trọng có thể rất tàn khốc. Đó là một trong những lý do trong các công việc chân tay, giới chủ tránh ký hợp đồng chính thức để trốn những khoản bảo hiểm hay chi phí y tế.
Giáo sư Song Yueping nghiên cứu về ngành xây dựng và bảo vệ ở Trung Quốc, nhóm ngành sử dụng nhiều lao động nhập cư lớn tuổi. Trong nhiều trường hợp, các công ty không thể mua bảo hiểm cho nhân viên lớn tuổi, ngay cả khi họ muốn vì những lao động này đã quá tuổi nghỉ hưu, không đủ điều kiện.
Ở tuổi 71, Chen Fagen vẫn làm việc toàn thời gian. Giống như Xia, ông quê ở Giang Tô nhưng phần lớn thời gian làm việc tại các khu chung cư ở Thượng Hải cùng vợ.
Chen không thông thạo tiếng phổ thông và cũng không thể làm việc với cường độ cao nhưng ông không bao giờ lo thiếu việc bởi sự thiếu hụt nhân lực ngành này khá nghiêm trọng ở Thượng Hải.
Từ năm 2012, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã bắt đầu đưa tin về tình trạng thiếu lao động chân tay ngày càng gia tăng. Trong một khảo sát năm 2022, 83% doanh nghiệp sản xuất cho biết họ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, 42% cho biết đây là vấn đề thời vụ, trong khi 32% cho biết đây là vấn đề quanh năm.
Giáo sư Song cho hay, việc người di cư sẵn sàng tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu đã giúp giảm bớt tình trạng thiếu lao động ở một mức độ nhất định nhưng không thể kéo dài.
Hiện tại, Chen không có kế hoạch nghỉ hưu. Ông kiếm được 12.000-15.000 tệ mỗi tháng và ông cần tiếp tục tích lũy tiền tiết kiệm. Trong khi đó, Xia hy vọng rằng số tiền kiếm được có thể giúp mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho các cháu của mình. Con trai ông theo ông học nghề kinh doanh trang trí nội thất sau khi học xong cấp 2. Bây giờ ở độ tuổi ngoài 40, anh được coi là một người tương đối trẻ trong ngành.
"Vì học kém nên tôi cần một công việc để trang trải cuộc sống". Con trai Xia nói.
Xia quyết tâm rằng con của con trai ông sẽ tránh được số phận tương tự. Ông đã sử dụng tất cả tiền tiết kiệm để hỗ trợ gia đình con trai, giúp họ mua một căn hộ hai phòng ngủ ở quê. Hai đứa cháu của Xia hiện đang học ở trường tốt, và ông hy vọng một ngày nào đó chúng sẽ tìm được công việc văn phòng.
"Tôi hy vọng cháu tôi có thể có công việc văn phòng, ngồi trước máy tính. Chúng sẽ không cần phải chịu đựng những khó khăn mà tôi đã trải qua." Xia tâm sự.
Tác giả bài viết: Anh Linh (Theo Sixth Tone)