Giữa tháng 8/2022, chúng tôi đến ấp 5 (xã Bình Xuân, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) gặp anh Nguyễn Văn Thi. Trò chuyện với chúng tôi, ánh mắt anh Thi luôn hướng về phía cửa, nơi con trai đang rửa xe với niềm vui, hạnh phúc. Nguyễn Mạnh Tuấn (SN 2002) vừa thoát khỏi bọn buôn người, trở về từ Campuchia. Tuấn trước đây làm công nhân ở tỉnh Long An. Thu nhập không cao nhưng đủ chi phí.
Tháng 2/2022, một người họ hàng giới thiệu về công việc nhẹ nhàng nhưng lương cao, có thể kiếm 1.000USD mỗi tháng. Anh Thi tin lời nên bàn bạc với gia đình, cho Tuấn đi cùng người họ hàng sang Campuchia. Khi vào cái nơi được gọi là công ty, thông qua nhiều người Việt Nam đang làm việc tại đây, Tuấn mới biết được công việc chính là tạo các tài khoản game, sàn giao dịch ảo, trang mạng để lừa đảo khách vào chơi. Nhân viên nào làm không đạt yêu cầu, sẽ bị quản lý phạt bằng cách chích điện, đứng bàn chông, đánh đập hoặc bán cho công ty khác.
Tuấn tìm cách trở về Việt Nam. Phía công ty thông báo rằng nếu muốn về, phải đóng phạt 10.000USD. Giữa đất khách quê người, Tuấn hoảng loạn, có lúc định tự tử. Tuấn gọi điện thoại cho cha cầu cứu. Anh Thi điện thoại cho người họ hàng nhờ giúp đỡ thì người này trả lời “có đủ tiền chuộc thì mới được về” và giảm từ 10.000USD xuống còn 6.000USD. Anh Thi phải vay mượn người thân, bạn bè 6.000USD, giao cho người họ hàng. Ngày 5/7, Tuấn về Việt Nam và anh Thi đã đến cơ quan Công an trình báo. “Chuyện xảy ra với gia đình là một bi kịch!”, anh Thi nói.
Tiếp nhận đơn tố cáo, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tiền Giang đã điều tra, xác định Lê Anh Thư (SN 1999, ngụ xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè) có hành vi mua bán người, cưỡng đoạt tài sản. Thủ đoạn của Thư là chiêu dụ, lôi kéo, đưa người sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao” để lấy tiền và đòi tiền chuộc nếu nạn nhân muốn về nước. Ngày 1/8, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Viện KSND tỉnh Tiền Giang tiến hành bắt giữ Thư, khám xét thu giữ nhiều chứng cứ, tài liệu liên quan đến hành vi mua bán người. Tại cơ quan điều tra, Thư thừa nhận đã lôi kéo được một số người sang Campuchia để nhận tiền, mỗi người Thư được hưởng 800USD. Riêng trường hợp của Tuấn, Thư nhận được 5.000USD từ các đối tượng ở Campuchia. Thời điểm bị bắt giữ, Thư còn đang dụ dỗ nhiều người khác và chuẩn bị đưa sang Campuchia.
Một trường hợp khác là Trần Thế Vinh (SN 2005, ngụ xã Long Đức, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) cũng may mắn được trở về. Khoảng tháng 4/2022, Vinh được một người đàn ông quen qua mạng giới thiệu làm quản lý quán Internet ở TP Hồ Chí Minh với mức lương 25 triệu đồng/tháng. Dù không được người thân đồng ý, Vinh đã trốn lên TP Hồ Chí Minh. Đến Bến xe miền Tây, Vinh liên hệ với người nhận việc và được đưa đến nhà nghỉ cùng với một vài người khác. Đêm đó, tất cả đều bị dồn vào một nhà nghỉ nằm ở khu vực vắng vẻ gần cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Đến khuya, tất cả được đưa vào rừng cao su, chờ thời cơ để vượt biên. Sang đến Campuchia, Vinh bị đưa đến một tòa nhà cao tầng và bị nhốt vào một phòng cùng với 8 người khác.
Hàng ngày, Vinh có nhiệm vụ lên mạng xã hội lừa đảo những người Việt Nam khác bằng hình thức chốt hàng online. Thời gian làm việc từ sáng sớm đến 22h và không được di chuyển ra khỏi phòng. Khi biết đã bị lừa, Vinh tìm cách liên hệ với gia đình và nói rõ sự thật. Gia đình Vinh phải vay mượn 2.500USD để chuyển khoản chuộc Vinh về Việt Nam. Đại tá Lê Văn Tư, Phó Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an các đơn vị và Bộ đội Biên phòng, thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự cho biết, phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người chủ yếu thông qua mạng xã hội. Các đối tượng tác động vào nhóm người trẻ, chưa có việc làm ổn định, sinh viên mới ra trường muốn tìm việc làm có thu nhập cao.
Chúng chiêu dụ bằng những lời hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao”, mức lương khoảng 1000USD/tháng để “dẫn dụ” nạn nhân. Các đối tượng còn xây dựng hình ảnh của bản thân là người thành đạt, có đủ điều kiện, vật chất sau khi đi làm tại các “công ty” nước ngoài. Từ đó, nạn nhân dễ tin tưởng và sụp bẫy.
Tác giả bài viết: Lê Hoài - Văn Vĩnh