Quỹ nhằm tạo kinh phí để trao giải thưởng cho các cuộc thi ảnh nghệ thuật trắng đen mang tên Lâm Tấn Tài hàng năm, hỗ trợ các hội viên khó khăn, trao học bổng cho các cháu con em hội viên học giỏi có hoàn cảnh khó khăn; và các hoạt động đẩy mạnh phong trào nhiếp ảnh thành phố.
Đây là lần thứ 13 tác giả Thành Xuân Anh tổ chức tại các tỉnh, thành trong cả nước. Lần triển lãm này cũng chào mừng 47 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) và chào mừng 132 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890 - 19/5/2022).
Triển lãm trưng bày 66 ảnh nghệ thuật về hoa sen đánh dấu tuổi 66 của tác giả và cũng là dịp kỷ niệm 30 năm cầm máy.
Thành Xuân Anh đến với nhiếp ảnh vào năm 1992, khi anh đã 34 tuổi. Anh làm quen với nhiếp ảnh bằng cách nghiêm túc ngồi vào ghế theo học 3 khóa nhiếp ảnh tại Hội nhiếp ảnh TPHCM năm 1992. Các thầy của anh như NSNA Lâm Tấn Tài, Phạm Kỉnh, Vũ Hân, Nguyễn Đặng, Nguyễn Văn Thông... đều đã mất, hiện chỉ còn mỗi thầy Lê Xuân Thăng đã dạy anh cách đây 30 năm.
Trong lịch sử giới nhiếp ảnh ở Việt Nam, từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư, trường hợp như anh có lẽ chỉ có một. Trong khi không ít người sau khi rời cánh cổng nhà tù rồi “ngựa quen lối cũ” chỉ một thời gian ngắn sau lại nhanh chóng quay lại nơi đó, thì anh đã chọn nhiếp ảnh làm kế sinh nhai và cũng để hoàn lương vì anh nhận thấy nhiếp ảnh là công việc có thể giúp anh có thể sống được và trở thành người lương thiện.
Đối diện của ống kính trước cuộc sống dễ làm cho người cầm máy phân biệt phải trái cũng như khả năng nhận diện, tìm tòi cái đẹp trong cuộc sống. Nhiếp ảnh từng bước dẫn dắt con người xa rời cái xấu, cái ác để đến với cái tốt, đến với những giá trị chân thiện mỹ. Nhiếp ảnh thực tế đã sở hữu một “sức mạnh mềm” có khả năng thay đổi cả một con người.
Cái hay của tác giả Thành Xuân Anh là sau hơn ba mươi năm cầm máy, nhiếp ảnh không còn là phương tiện kiếm sống hay theo đuổi đam mê đơn thuần mà là cách để anh làm từ thiện.
Tác giả Thành Xuân Anh cho biết: “Nhiếp ảnh đã đem cái đẹp cho đời và dùng nghệ thuật để khai mở trí tuệ. Riêng với anh, Nhiếp ảnh đã giúp anh kiếm sống trong đời, hoàn thiện con người, giúp anh từ bóng tối bước ra ánh sáng, đứng lên từ những lầm lỡ và qua đó anh muốn dùng các tác phẩm Sen để làm thông điệp cho đời, cho những ai chưa tròn đạo hiếu với cha mẹ mình để biết sống tốt hơn”.
13 cuộc triển lãm về mẹ, về sen của anh được tổ chức 5 năm qua cũng vì một mục đích – làm từ thiện. Các tác phẩm được triển lãm, bán đấu giá để lấy tiền làm từ thiện như một cách chuộc lại phần nào lỗi lầm của mình, như một cách thể hiện sự biết ơn đối với cuộc sống.
Ý nghĩa và mục đích những cuộc triển lãm của Xuân Anh thật đẹp nhưng tài năng sử dụng ánh sáng trong những tấm ảnh chụp sen của anh đã làm sen trở nên lung linh hơn, huyền ảo hơn. Ngoài ý nghĩa, ngoài đời đã đẹp nhưng sen thật sự đẹp hơn trong những tấm ảnh do Xuân Anh chụp. Toàn bộ số tiền bán đấu giá các bức ảnh về sen – được đóng góp cho quỹ “Hoạt động nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài”. Cũng là một người thầy đầu tiên của anh từ 30 năm về trước.
Chụp sen thì nhiều tác giả đã chụp nhưng khi ngắm nhìn những tấm ảnh chụp sen của Thành Xuân Anh, khách tham quan sẽ thấy sen được tác giả chụp đẹp đến ngỡ ngàng và mỗi bức đều mạng một ý nghĩa riêng của nó như nét đẹp của lòng mẹ, của tình cha với nghĩa cử từ thiện của tác giả. Người xem thấy được phảng phất mùi thơm của hoa sen trên các tác phẩm của anh là hình ảnh của bậc sinh thành, của người giáo dưỡng.
Toàn bộ số tiền bán đấu giá tại buổi triển lãm thu được là 142 triệu đồng, anh đóng góp cho Quỹ “Hoạt động nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài” của Hội Nhiếp ảnh TP.HCM.
Triển lãm mở cửa từ ngày 22/4/2022 đến hết ngày 20/5/2022.
Tác giả bài viết: Vũ Sơn
Nguồn tin: https://voh.com.vn