Nghề đan gùi của người Xtiêng – Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo tồn và phát huy

 Admin    Thứ hai - 24/04/2023 03:26
Đối với người S’tiêng, gùi là một vật dụng quan trọng, gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày, nghề đan gùi là một trong 04 nghề truyền thống của người S’tiêng, tuy nhiên, hiện nay số lượng người S’tiêng biết đan gùi ngày càng ít và chủ yếu là người lớn tuổi, ngày 6/3/2023, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận Nghề đan gùi của người XTiêng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Những người gìn giữ di sản tuổi 70

Ở độ tuổi gần 70, ông Điểu Oanh và vợ là bà Điểu Thị Ốt người dân tộc S’tiêng ở thôn 1 xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng hàng ngày vẫn chăm chỉ chuốt từng sợi nan và tỉ mỉ đan thành những chiếc gùi xinh xắn, với 15 năm làm nghề đan gùi bán, ông Điểu Oanh cũng không nhớ nổi mình đã đan và bán được bao nhiêu cái gùi, tuy vậy thu nhập từ nghề đan gùi bán cũng  cao nên cuộc sống của ông bà luôn thiếu trước, hụt sau. Ông Điểu Oanh cho biết, gùi S’tiêng có rất nhiều loại, nhưng ông chỉ đan những loại thông dụng, được nhiều người ưa chuộng. Suốt 15 năm qua ông bà chỉ đan 03 loại gùi, loại nhỏ chỉ cao khoảng 35cm, loại trung cao khoảng 50cm và loại có hoa văn. Người S’tiêng đan gùi bằng cây lồ ô, để đan một chiếc gùi phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó việc chọn cây lồ ô là quan trọng nhất, bởi phải chọn những cây thẳng, có lóng dài, không được non quá và cũng không được già quá, cây lồ ô đủ tiêu chuẩn có độ tuổi khoảng 2 năm.

Sau khi đã chọn được cây vừa ý, người ta dùng dao cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài, chẻ mỏng thành kích cỡ mong muốn, sau đó vót trơn bề mặt mỗi nan, tẩm màu cho nan để tạo hoa văn theo ý muốn, cuối cùng là đan. Điều đặc biệt của cây lồ ô mà Ông Oanh chọn đan gùi là không phải phơi khô như những loại tre, nứa, khác, mà lồ ô được đan ngay khi còn tươi nhưng gùi không bị co lại theo thời gian sử dụng. Ông Oanh cho biết thêm, đan gùi phải đan từ phần đáy trước và đây cũng là phần khó nhất, người đan phải vững tay nghề, để có thể đan vuông phần đáy, ở phần đáy gùi, mỗi đường nan được đan lượn sóng, nên phải kéo thật chặt để nan không bị xộc xệch.

Trong quá trình đan đáy, người ta cài chéo góc 02 thanh lồ ô già đã chuốt bóng để giữ vuông 4 góc của phần đáy và để gắn đế của gùi sau khi đan xong phần đáy, đế của gùi cũng được làm bằng gốc lồ ô già, người đan gừi khéo léo uống cong thanh lồ ô theo hình bán nguyệt. Sau khi làm xong phần đáy, người ta làm khung để đan thân gùi, vừa đan, vừa dịch khung để đảm bảo khung tròn từ đáy lên đến miệng, gùi đan xong thường được gác lên gác bếp để tăng độ bền.

Để có một chiếc gùi đẹp, người đan gùi phải tỉ mỉ chọn và chuốt từng sợi nan, trong quá trình đan vẫn tiếp tục chuốt nan, bẻ nan để cho phù hợp với từng hoa văn,  đan 01 chiếc gùi hoàn chỉnh phải mất 5 ngày, nếu gùi có đan hoa văn thì phải mất 06 ngày mới đan xong, với mỗi chiếc gùi như vậy ông Điểu Oanh bán được từ 300.000đ đến 400.000đ/ 1 cái, loại gùi có hoa văn thì bán được 500.000đ/1 cái.

Hàng ngày Ông Điểu Oanh và vợ là bà Điểu Thị Ốt đan gùi ở khu vườn sau nhà

 

Người S’tiêng rất tôn sùng thần linh, họ quan niệm rằng, các vị thần luôn hiển hiện trong đời sống của họ. Một số người S’tiêng lớn tuổi truyền tai nhau truyền thuyết về chiếc gùi của họ rằng “Ngày xưa, khi thấy đồng bào S’tiêng mang đồ theo, phải cầm trên tay rất khổ sở, có khi đồ vật bị rơi mất hoặc bị hư hỏng. Một hôm, có một ông tiên hiện ra và bảo: - Các con làm như vậy quá khó khăn. Nếu như làm rơi đồ thì biết lấy cái gì mà làm việc, biết lấy cái gì mà đựng đồ ăn? Các con hãy vào trong rừng, chặt cây lồ ô đem về đây chẻ ra và đan chúng lại với nhau để làm thành cái gùi. Cái đó người ta dùng để đựng bầu cơm, bầu nước khi đi làm rẫy. Cái đó có cả cái quai để mang trên vai cho tiện. Từ ấy, cái gùi được sử dụng phổ biến trong đồng bào cho đến tận bây giờ. (Người kể: Ông Điểu Khanh, 1960, thôn 6, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước)”

Bà Ngô Thị Kim Chi – Bí thư chi bộ, trưởng thôn 1 cho biết: Gia đình ông Điểu Oanh sống bằng nghề đan gùi bán, do kỹ thuật đan khó, thu nhập từ đan gùi thấp nên hiện trong thôn có rất ít người S’tiêng biết nghề đan gùi. Thời gian qua, tôi đã quảng bá những chiếc gùi của người S’tiêng qua zalo và Facebook vì thế mà rất nhiều người ở TP. HCM và các tỉnh thành khác biết đến gùi của người S’tiêng và tìm đến đặt mua.  Tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng Ông Điểu Oanh và bà Điểu Thị Ốt rất yêu nghề đan gùi và rất thương yêu nhau, cũng nhờ nghề đan gùi mà ông có thể nuôi được một người con gái bị bệnh quanh năm và 03 đứa cháu nhỏ”.

Cần bảo tồn và phát triển nghề đan gùi

Ông Điểu Oanh luôn suy nghĩ về việc duy trì nghề đan gùi của đồng bào mình, ông sợ một ngày nào đó nghề đan gùi sẽ mất đi, ông bắt đầu dạy người trẻ về kỹ thuật đan gùi, chị Điểu Thị Sẻ và Chị Điểu Thị Ro đang theo học nghề đan gùi cho biết “Mình đã thấy người lớn tuổi đan gùi từ lâu rồi, nên mình muốn học đan gùi để giữ nghề truyền thống của dân tộc mình. Đan gùi rất khó, mình đã học lâu rồi nhưng mới chỉ biết đan phần thân gùi, chưa đan được cả cái gùi”

 

Ông Điểu Oanh đang chỉ cho tác giả cách đan đáy của gùi

Ông Điểu Lon, tổ trưởng tổ làng nghề đan lát của sóc Bom Bo cũng rất trăn trở về nghề đan gùi truyền thống của dân tộc mình, ông cho biết, “ở sóc Bom Bo, những người biết đan gùi cũng còn rất ít và đã lớn tuổi, người trẻ thì không thích học đan gùi, vót nan thường bị đứt tay, rất đau nên chỉ có ít người biết đan gùi”. Ông biết, việc dạy người trẻ đan gùi để giữ nghề truyền thống là trách nhiệm của mình, nên ông đã dạy những người con trai của mình đan gùi và đang tích cực vận động những người trẻ trong sóc tham gia lớp học nghề đan gùi.

Bà Thị Diệu Hiền – Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, Trưởng Ban quản lý Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo cho biết “ Từ năm 2018 khi Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Bình Phước bàn giao Khu Bảo tồn về cho huyện quản lý, UBND huyện rất quan tâm công tác bảo tồn và phát huy các làng nghề của người S’tiêng, trong đó có đan gùi (thuộc tổ  đan lát). UBND huyện đã đầu tư kinh phí sửa chữa các nhà làng nghề tại Khu Bảo tồn, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thành lập tổ làng nghề và mở lớp dạy nghề đan gùi để giữ nghề truyền thống cho bà con, chỉ đạo Ban quản lý Khu Bảo tồn và các cơ quan liên quan thực hiện đưa sản phẩm gùi của người S’tiêng vào chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch, để du khách trong và ngoài nước biết đến gùi của người S’tiêng”

Ngày nay, với sự quan tâm của UBND huyện và các cơ quan chuyên môn, nghề đan gùi truyền thống của người S’tiêng không chỉ được bảo tồn mà còn được quảng bá, phát huy, những người S’tiêng lớn tuổi như Ông Điểu Oanh, bà Điểu Thị Ốt, Ông Điểu Lon sẽ có người kế thừa, những chiếc gùi sẽ được bán đi khắp nơi, mang theo những ước mơ của người S’tiêng, làm giàu từ nghề đan gùi bán và góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa của người đồng bào dân tộc thiểu số.

 

 

 

Tác giả bài viết: ANH TUẤN - Ban quản lý Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Nguồn tin:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
VGS
MXHV
THÔNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập51
  • Hôm nay19,534
  • Tháng hiện tại407,135
  • Tổng lượt truy cập11,641,959
THĂM DÒ Ý KIẾN

Smartphone đáng mua nhất đầu năm 2020

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây