Mở đầu lễ hội Cao Lỗ Vương, Ban tổ chức cùng với chính quyền địa phương, đại diện họ Cao Việt Nam và các bậc chức sắc đã tổ chức mở cửa đình đón tiếp du khách thập phương đến với lễ hội. Trong khi đó, các cụ phụ lão của 8 thôn trên địa bàn xã Cao Đức và xã Vạn Ninh đã sắp xếp lễ vật, chỉnh trang đồ thờ tự, chuẩn bị các đoàn rước theo đúng phong tục, tập quán nghi lễ truyền thống. Cùng với lễ hội truyền thống là Giải vô địch truyền thống năm 2023 được tổ chức tại sới vật thuộc cụm di tích Cao Lỗ Vương, với sự tham gia của 150 vận động viên thuộc 14 đoàn từ khắp mọi miền Tổ quốc hội tụ về đây.
Nhân kỷ niệm 2300 năm ngày sinh tướng quân Cao Lỗ, năm nay lễ hội được tổ chức quy mô và hoành tráng hơn với nhiều hoạt động như:
Lễ rước của các thôn, nghi thức tế, lễ, chương trình nhà hát chèo Việt Nam, chương trình biểu diễn của nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh, chương trình giao lưu nghệ thuật của các câu lạc bộ địa phương, chương trình thi đấu trong khuôn khổ giải vô địch dân tộc quốc gia lần thứ XXVII năm 2023.
Theo thần tích, Cao Lỗ Vương sinh tại thôn Đại Trung, trang Đại Than, tổng Vạn Ty - nay là xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ngay từ nhỏ, ông là người thông minh, hiếu học, khi trưởng thành văn võ song toàn. Sau đó, Cao Lỗ Vương theo phò vua An Dương Vương đánh giặc, lập nhiều công lớn, ông được phong tước Hầu. Khi An Dương Vương xây thành Cổ Loa (huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội), ông được vua giao thiết kế, xây dựng thành. Thành xây xong, ông chế tạo Nỏ thần - một kỳ tích về kỹ thuật quân sự thời cổ, góp phần trong việc chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Tương truyền rằng, nỏ thần do tướng quân Cao Lỗ chế tạo có thể bắn 1 phát hàng trăm mũi tên, tiêu diệt hàng trăm tên giặc. Nhờ có nỏ thần mà An Dương Vương đánh lui được các cuộc tấn công của giặc ngoại xâm.
Truyền thuyết kể rằng ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch là ngày sinh - của Cao Lỗ Vương. Để tưởng nhớ công ơn danh tướng tài ba của dân tộc, hàng năm người dân vùng Đại Than, gồm 8 làng: Đại Trung, Đông Trung, Bình Than, Tiểu Than, Văn Than, Phù Than, Kênh Phố, Mỹ Lộc, thuộc xã Cao Đức và xã Vạn Ninh cùng tổ chức lễ hội.
Các làng tổ chức nhiều hoạt động, trò chơi dân gian, như: vật, tam cúc điếm, hát cô dầu, đặc sắc nhất là trò múa bông, đuổi bệt, tạo nét hấp dẫn riêng trong không gian lễ hội nơi thôn quê. Tương truyền, cây bông bằng tre được vót như đũa bông làm 3 đoạn với 6 bông. Người múa bông là một thôn nữ thanh tân mặc áo the thắt lưng bó cạnh, hai tay cầm hai cây bông múa theo điệu trống giữ nhịp. Mỗi tiết mục múa khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ. Trước khi kết thúc, cô gái đưa cây bông lên miệng ngậm một vài sợi phôi sau rồi vứt cây bông ra, dân làng xô nhau đến cướp. Ai tranh được coi như năm ấy gia đình, họ tộc sẽ gặp nhiều may mắn, tốt lành. Với trò đuổi bệt, còn gọi là đuổi hổ được lưu truyền nhằm diễn lại sự tích dân làng đuổi hổ lấy thi hài Cao Lỗ Vương để an táng.
Lễ hội tưởng niệm Cao Lỗ Vương được tổ chức với nhiều nghi thức tế lễ, rước sách uy nghiêm tại đền và mở nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian tại đình chùa làng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình đoàn kết gắn bó bền chặt của các làng xã vùng sông nước Lục Đầu - Bình Than, nơi ghi dấu nhiều chiến công lừng lẫy trong lịch sử chống xâm lược của nước Đại Việt xưa.
Tác giả bài viết: Minh Yến