Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu chính các sản phẩm cá sấu sống của Việt Nam, bên cạnh các thị trường khác như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore và một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). Năng lực xuất khẩu của các trại cá sấu ở khu vực Nam bộ được cấp phép thương mại quốc tế về động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) là hơn 114.000 con cá sấu. Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 11/2019, do hải quan Trung Quốc không cho phép nhập khẩu cá sấu sống, số lượng xuất khẩu thực tế chỉ đạt khoảng 32.800 con, mặc dù đã được cấp CITES.
Quang cảnh hội nghị
Đối với khỉ nuôi, cả nước đã xuất khẩu trên 18.700 con từ năm 2022 đến tháng 7/2024, chủ yếu cho các mục đích nghiên cứu khoa học tại các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Hàn Quốc….
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá cao nỗ lực đàm phán và ký kết các Nghị định thư về xuất khẩu khỉ và cá sấu nuôi sang Trung Quốc, nhấn mạnh rằng việc này sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và người chăn nuôi Việt Nam, đảm bảo đầu ra ổn định và mang lại lợi ích kinh tế cao. Bộ cũng đề nghị ngành nông nghiệp các địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi tổ chức nghiên cứu kỹ nội dung của Nghị định thư và các quy định trong nước để xây dựng kế hoạch sản xuất phát triển bền vững.
Bà Trần Thị Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Thú y báo cáo tại hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe bà Trần Thị Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Thú y báo cáo về tình hình xuất khẩu khỉ và cá sấu từ năm 2022 đến tháng 7/2024 sang các nước. Bà cũng đề cập đến các biện pháp tăng cường công tác quản lý và kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thú y trong chăn nuôi.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp khẳng định rằng việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị triển khai Nghị định thư sẽ giúp tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên ngành và doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp đẩy mạnh chuỗi cung ứng xuất khẩu cá sấu và khỉ nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc, tạo ra sự thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh tiềm năng lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh Đồng Tháp, trong việc phát triển ngành nuôi cá sấu. Thứ trưởng yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển ngành chăn nuôi khỉ và cá sấu theo hướng bền vững, đảm bảo tuân thủ quy định về đa dạng sinh học và truy xuất nguồn gốc để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động kiểm tra và lựa chọn nguồn giống tốt, liên hệ với các đối tác để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đại diện công ty gây nuôi, sinh sản và xuất khẩu khỉ đuôi dài Phúc Lộc Phát gửi thư kiến nghị tới Thứ trưởng Phùng Đức Tiến
Cũng tại hội nghị, Đại diện công ty gây nuôi, sinh sản và xuất khẩu khỉ đuôi dài Phúc Lộc Phát đã gửi thư kiến nghị trực tiếp đến Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long để chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc gây nuôi, sinh sản và các thủ tục xuất khẩu mặt hàng khỉ mà công ty đang gây nuôi, đồng thời kiến nghị về tháo gỡ vướng mắc về xét nghiệm 05 chủng virut theo Nghị định thư cho khỉ xuất khẩu.
Hội nghị lần này đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển mới cho ngành chăn nuôi và xuất khẩu khỉ và cá sấu của Việt Nam, hứa hẹn mang lại những lợi ích kinh tế và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành.
(Theo TRỌNG ANH)