Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (sinh năm 1979) hiện là chủ của 2 doanh nghiệp sản xuất ly giấy và tô giấy tại Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô 75 công, nhân viên. Gia nhập Câu lạc bộ Doanh nhân họ Nguyễn Việt Nam từ năm 2018, chị Xuân tích cực thực hiện các hoạt động của câu lạc bộ như kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài họ Nguyễn Việt Nam, tham gia tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp cho người trẻ trong dòng họ, vận động xây dựng quỹ khuyến học, làm từ thiện…
Bên cạnh đó, nữ doanh nhân này còn thường xuyên tham gia các hội thảo, hội nghị, buổi gặp mặt các chuyên gia, là người trong dòng họ Nguyễn, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, những mô hình kinh tế mới.
“Tham gia các sự kiện như hội thảo về kinh tế xanh, cách mạng công nghiệp 4.0 do dòng họ tổ chức, giúp tôi có thêm kiến thức để chọn lọc đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình cho phù hợp”, chị Xuân nói tiếp: “Việc tham gia Câu lạc bộ Doanh nhân họ Nguyễn cho tôi các mối quan hệ với những doanh nghiệp khác, đây là cầu nối giao thương, đặc biệt trong những hội chợ trưng bày sản phẩm. Từ đó, tôi cũng nhiều đơn hàng hơn, công việc kinh doanh cũng phát triển hơn”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân là một trong hơn 1.400 thành viên hoạt động thường xuyên và được thụ hưởng những lợi ích khi tham gia Câu lạc bộ Doanh nhân họ Nguyễn Việt Nam.
Thành lập từ tháng 10/2017, câu lạc bộ là nơi gắn kết các doanh nhân, doanh nghiệp trong dòng họ, thường xuyên tổ chức những hoạt động nhằm nâng cao kiến thức về quản trị nhân sự, tài chính, chiến lược, thương hiệu, xử lý khủng hoảng…
Câu lạc bộ có hơn 30 thành viên chủ chốt, là chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân họ Nguyễn tại các địa phương, lĩnh vực; 20 chuyên gia nòng cốt về các mảng khác nhau trong hoạt động của doanh nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thi – người sáng lập Câu lạc bộ Doanh nhân họ Nguyễn Việt Nam, cho biết, từ năm 2020-2023, câu lạc bộ đã tổ chức trên 1.000 cuộc thảo luận, trao đổi, hội nghị, hội thảo khác nhau liên quan đến vấn đề vận hành doanh nghiệp và khởi nghiệp.
“Khi nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nào hoặc ở địa phương nào đó của dòng họ cần được tư vấn về một vấn đề chung, họ đề xuất lên ban điều phối của câu lạc bộ để tìm chuyên gia phù hợp. Sau đó ban điều phối sẽ cân nhắc để tổ chức chia sẻ vào khoảng thời gian và hình thức tốt nhất.
Thậm chí có hôm tối muộn, anh em trong câu lạc bộ vẫn trao đổi với nhau theo hình thức trực tuyến. Tất nhiên, những tư vấn này miễn phí”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thi chia sẻ.
Cái hay của mô hình là các doanh nghiệp trong dòng họ có môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm làm ăn kinh doanh, hỗ trợ nhau những lúc khó khăn, hợp tác cùng phát triển. Các sự kiện hội chợ tại những chương trình lớn của dòng họ cũng góp phần thúc đẩy sản xuất và phân phối sản phẩm tốt hơn.
Ngoài ra, doanh nghiệp phát triển tốt, góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống kinh tế cho con cháu, anh em trong dòng họ.
“Cùng với Câu lạc bộ Doanh nhân, họ Nguyễn Việt Nam còn có các Ban Khuyến học dòng họ, Câu lạc bộ Thiện nguyện, Câu lạc bộ Văn hóa – Văn nghệ, Câu lạc bộ Tuổi trẻ họ Nguyễn Việt Nam. Hoạt động của các tổ chức này cũng góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của con cháu trong họ tốt hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thi khẳng định.
Việc hình thành các câu lạc bộ đặc thù trong dòng họ đã phổ biến ở nhiều nơi hiện nay. Ngoài họ Nguyễn Việt Nam, họ Dương, họ Trần, họ Bùi, họ Đặng… cũng xây dựng nhiều tổ chức nhỏ khác nhau để con cháu trong dòng họ hoạt động.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong – cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam, hoạt động của các câu lạc bộ đặc thù trong dòng họ mang lại nhiều ý nghĩa tích cực.
“Hoạt động của các câu lạc bộ, các tổ chức trong dòng họ sẽ nhắc nhở con cháu luôn nhớ về cội nguồn, hướng về tổ tiên. Đó là lực lượng động viên, giúp đỡ con em trong dòng họ nâng cao về trí tuệ, tay nghề... Đồng thời, các tổ chức có nhiều sáng kiến khác nhau để hỗ trợ dòng họ phát triển, không ai bị thất nghiệp, không ai phải nghỉ học vì nghèo”, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong phân tích.
Một dòng họ học tập không chỉ cần quan tâm đến sự học của con em đang ở độ tuổi đến trường hay xây dựng quỹ khuyến học, mà còn cần chú trọng sự học của người lớn, từ đó nâng cao chất lượng lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của con em trong họ. Hình thức hoạt động câu lạc bộ như câu lạc bộ doanh nhân, doanh nghiệp sẽ là gợi ý tốt cho các dòng họ để đáp ứng được những yêu cầu này.
Tác giả bài viết: Đắc Quang
Nguồn tin: https://congdankhuyenhoc.vn