Chủ tọa không được phép bắt tay bị cáo: Phải tuân theo quy định pháp luật và quy tắc ứng xử

 Admin    Thứ tư - 16/12/2020 01:56
Thẩm phán là người tiến hành tố tụng và nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để xét xử, phán xét hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo
Chủ tọa không được phép bắt tay bị cáo: Phải tuân theo quy định pháp luật và quy tắc ứng xử

Mọi việc bắt đầu từ câu chuyện thẩm phán Trương Việt Toàn, chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước", sau phiên xử xuống bắt tay, vỗ vai động viên bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Đức Chung bị tuyên mức án 5 năm tù về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước".

Bắt tay là thể hiện tính nhân văn?

Lời giải thích của thẩm phán Trương Việt Toàn tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến đồng tình với lời giải thích của thẩm phán Toàn khi cho rằng việc vỗ vai, bắt tay thể hiện tính nhân văn của người xét xử nhưng cũng có ý kiến phản bác, rằng hành động này làm giảm đi sự tôn nghiêm của chốn pháp đình.

Tình huống đặt ra là nếu phiên tòa nào khi kết thúc, chủ tọa đều bắt tay, động viên bị cáo thì liệu còn sự tôn nghiêm cần có của hoạt động xét xử hay không?

Chúng tôi từng chứng kiến không ít lần chủ tọa động viên bị cáo trong và sau khi tòa tuyên án nhưng không có trường hợp nào bắt tay như vụ việc vừa rồi. Đơn cử, cách đây gần nửa năm, trong một phiên tòa xét xử vụ án tham ô tài sản do TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm, bị cáo kháng cáo xin hưởng án treo. Suốt phiên tòa, bị cáo khóc ngất vì hoàn cảnh khá đặc biệt. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận và tuyên y án sơ thẩm với mức án 2 năm tù. Sau khi tuyên án, chủ tọa và các thành viên HĐXX nán lại, giải thích thêm cho bị cáo quy định pháp luật về việc không áp dụng án treo cho bị cáo; đồng thời động viên, hướng dẫn bị cáo thực hiện các thủ tục thi hành án sau khi bản án có hiệu lực. Mặc dù kháng cáo không được chấp nhận nhưng bị cáo cảm động vì sự ứng xử đúng mực, lịch thiệp và rất nhân văn. Như vậy, đâu cứ phải xuống tận nơi bắt tay, động viên mới thể hiện tính nhân văn.

Chủ tọa không được phép bắt tay bị cáo: Phải tuân theo quy định pháp luật và quy tắc ứng xử - Ảnh 1.

Phiên tòa xét xử ông Nguyễn Đức Chung ngày 11-12Ảnh: TTXVN

Không đúng nơi quy định

Bắt tay được xem là một hành động chào xã giao, lịch thiệp trong giao tiếp giữa người với người trong xã hội. Tuy nhiên, cái bắt tay của thẩm phán Trương Việt Toàn lại khác. Bởi trong tình huống cụ thể này, thẩm phán Trương Việt Toàn là người tiến hành tố tụng và nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để xét xử, phán xét hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo, trong đó có bị cáo Nguyễn Đức Chung. Giữa thẩm phán Trương Việt Toàn và bị cáo Nguyễn Đức Chung khi giao tiếp, hành xử phải tuân thủ theo quy định Bộ Luật Tố tụng hình sự và Bộ Quy tắc ứng xử và đạo đức của thẩm phán ban hành kèm theo Quyết định 87/QD-HĐTP ngày 4-7-2018 của Hội đồng Tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia. Thẩm phán Trương Việt Toàn là người tiến hành tố tụng, bị cáo Nguyễn Đức Chung là người tham gia tố tụng với vai trò bị cáo trong vụ án. Rõ ràng giữa hai người, pháp luật quy định một khoảng cách về địa vị tố tụng.

Khoản 1 điều 7 Bộ Quy tắc ứng xử và đạo đức của thẩm phán quy định về sự đúng mực: "Trong mọi hoạt động của mình, thẩm phán phải hành xử đúng mực, lịch thiệp, thận trọng; duy trì trật tự và sự tôn nghiêm trong quá trình tố tụng; luôn thể hiện sự kiên nhẫn, nhân ái đối với các bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác."

Tại điểm d khoản 1 điều 10 Bộ Quy tắc ứng xử và đạo đức của thẩm phán quy định về ứng xử của thẩm phán khi thực hiện nhiệm vụ: "Tiếp xúc với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết đúng nơi quy định". Đồng thời, thẩm phán bị cấm "tiếp xúc với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết không đúng nơi quy định" (điểm đ khoản 2 điều 10 Bộ Quy tắc ứng xử và đạo đức của thẩm phán).

Với những quy định này cần được hiểu là việc tiếp xúc bắt tay nhau trong phòng xử án giữa người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng là không đúng nơi quy định.

Việc thẩm phán bắt tay, vỗ vai thân mật đối với bị cáo rất dễ bị dị nghị, làm mất tính tôn nghiêm của chốn pháp đình.

Tác giả bài viết: Lâm Hoàng

Nguồn tin: https://nld.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
VGS
MXHV
THÔNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập23
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm22
  • Hôm nay8,128
  • Tháng hiện tại99,296
  • Tổng lượt truy cập13,707,918
THĂM DÒ Ý KIẾN

Smartphone đáng mua nhất đầu năm 2020

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây