Vụ án tai nạn giao thông ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau: Luật sư đã đi đến tận cùng của sự thật

 Lehoang    Thứ bảy - 03/07/2021 05:27
Vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (GTĐB) xảy ra tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, đã qua 3 phiên tòa sơ thẩm nhưng vẫn chưa có điểm dừng, trong đó, 2 lần đại diện Viện kiểm sát đề nghị hoãn phiên tòa và xin rút hồ sơ để tiếp tục làm rõ những tình tiết quan trọng của vụ án. Đây là vụ án được dư luận người dân ở địa phương rất quan tâm (Hoanhap ngày 13/9/2018 đã phản ánh).

Phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp...


Phiên tòa sơ thẩm ngày 1/3/2018, bị cáo Trần Văn Khang bị truy tố tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (GTĐB), áp dụng điểm c khoản 2 Điều 202 Bộ Luật hình sự năm 1999; Khoản 2 Điều 46 Bộ Luật hình sự năm 1999, xử phạt bị cáo từ 3 năm đến 4 năm tù về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện GTĐB. Bào chữa cho bị cáo Trần Văn Khang có 3 luật sư. Các luật sư chưa có nhiều kinh nghiệm trong các vụ án giao thông, có người lần đầu tiên tham gia vụ án giao thông. Do đó, với tinh thần khách quan và công tâm, luật sư đã mất nhiều thời gian, công sức, để thu thập tài liệu, chứng cứ, phân tích, tổng hợp, nghiên cứu hồ sơ, gặp bị cáo, gặp các nhân chứng, kể cả việc tham khảo ý kiến của điều tra viên có trình độ chuyên môn trong xử lý các vụ án tai nạn giao thông (TNGT). Luật sư Ngô Thị Phúc - Văn phòng luật sư Thành Công (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh), nêu quan điểm như sau: Biên bản vụ tai nạn giao thông; Sơ đồ hiện trường vụ TNGT; Biên bản khám nghiệm hiện trường... chứa đựng nhiều mâu thuẫn, cụ thể là: Sơ đồ hiện trường vụ TNGT lập lúc 15 giờ, trước Biên bản TNGT 30 phút, trước Biên bản khám nghiệm hiện trường 40 phút, ở cùng một địa điểm nhưng lại không có sự chứng kiến của anh Lê Văn Đời - người trình bày nội dung vụ việc tại Biên bản TNGT. Mặt khác, sơ đồ hiện trường vụ TNGT và Biên bản khám nghiệm hiện trường lại không thể hiện xe tải va chạm với xe máy như ông Lê Văn Đời và bị hại Dương Văn Công trình bày.
 

 Luật sư đang trao đổi với bị cáo


Luật sư Nguyễn Thị Dạ Thảo - Văn phòng Luật sư Thành Công (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh), lại phân tích vụ án ở góc nhìn khác: Sơ đồ hiện trường không xác định được vị trí bà Lâm Thị Hậu ngã,vị trí xe của anh Dương Văn Công ngã. Đây là sai sót rất nghiêm trọng. Đối với biên bản phân tích lỗi không ghi số, không chỉ ra được xe đi trên phần đường nào, không thể hiện xe đi không đúng phần đường như thế nào mà chỉ ghi bị cáo điều khiển xe không đúng làn đường... Luật sư Dạ Thảo đề nghị áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, đình chỉ giải quyết vụ án. Luật sư Lê Thanh Thuận- Văn phòng Luật sư Lê thanh Thuận (Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau), tranh luận: Kết luận giám định có ghi cho phép nhận định bánh xe bên phải cán qua đầu nạn nhân Lâm Thị Hậu nhưng không ghi bánh xe bên phải lấy hướng nào làm chuẩn, nếu bánh xe bên phải là hướng tài xế nhìn tới thì bánh xe sát lề lộ bên trong, còn bà Hậu nằm đầu quay ra sát lề cỏ bên trái, là gần mé sông thì không thể nào bánh xe bên phải cán qua được đầu bà Hậu. Kết luận giám định chỉ là nhận định chứ không phải là kết luận mà giám định phải là kết luận. Biên bản thực nghiệm điều tra của Công an huyện Cái Nước xác định hướng mâu thuẫn với kết luận giám định về cách nhìn hướng. Trong hồ sơ vụ án không làm rõ điểm đụng khi tai nạn xảy ra, vị trí nạn nhân nằm chỗ nào, có bị dịch chuyển hay không. Điều này chưa đủ cơ sở kết luận bị cáo gây ra tai nạn. Luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung. Căn cứ kết quả việc xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa và lập luận có cơ sở của luật sư, Hội đồng xét xử (HĐXX), đã trả hồ sơ vụ án cho Viện KSND huyện Cái Nước, điều tra làm rõ 5 nội dung, để xác định đúng bản chất của vụ án.

Hiện trường bị xáo trộn

Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 ngày 22/8/2018, anh Dương Văn Công (nguyên đơn dân sự) trình bày: Vào khoảng 15 giờ chiều ngày 1/6/2016, anh Công điều khiển xe gắn máy biển kiểm soát 69K1-165.43, chở bà Lâm Thị Hậu (mẹ ruột) đi từ xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời về nhà anh Công ở xã Phú Tân, huyện Phú Tân. Khi đến khu vực ấp Cái Chim, xã Trần Thới, huyện Cái Nước, lúc đó trời mưa, anh Công chạy với tốc độ 45-50km/giờ, thì phát hiện xe ô tô tải, chạy ngược chiều lấn hết phần đường xe gắn máy, cách khoảng 10m, anh Công thắng gấp nên xe gắn máy té ra giữa lộ. Anh Công và bà Hậu bị té nằm gần nhau, cách xe gắn máy 5m. Anh không nhớ bị té trước hay sau xe ô tô tải thì bị xe ô tô tải biển số 69C-012.20 do Trần Văn Khang điều khiển chạy qua cán vào đầu bà Hậu, làm bà Hậu tử vong tại chỗ, còn anh Công bị thương. Khi tai nạn xảy ra, anh Công bị té nhưng vẫn thấy được biển số xe ô tô gây tai nạn là 69C-012.20. Anh nhiều lần cho biết không di dời thi thể mẹ anh và cũng không nhớ ai là người đưa anh đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Cái Nước. Anh nằm điều trị tại bệnh viện, có về nhà đi đám tang mẹ nhưng không nhớ ngày nào. Khi HĐXX hỏi anh Công điều khiển xe gắn máy với tốc độ cao nên vết xe gắn máy của anh cày trượt trên đường dài 30m, thì anh Công trả lời... không biết!?
 

Luật sư đi tác nghiệp


Tại phiên tòa, luật sư Ngô Thị Phúc, đưa tấm hình chụp tại hiện trường thi thể bà Hậu đầu nằm sát bờ cỏ, chân quay ra phía lộ, còn anh Công đang ngồi chắp tay khấn phật, hỏi anh Công người trong tấm hình là ai, anh có di dời thi thể mẹ anh không, anh nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Cái Nước vào lúc nào, anh nói với bác sĩ lý do vào viện.... Phải suy nghĩ khá lâu, anh Công mới trả lời đó là thi thể mẹ anh và anh. Một lần nữa, anh Công khẳng định anh không di dời thi thể mẹ anh. Anh không nhớ ai đưa vào bệnh viện và vào viện lúc mấy giờ. Luật sư Nguyễn Thị Dạ Thảo (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu câu hỏi trong các bút lục xác định vị trí thi thể bà Lâm Thị Hậu đã di dời, từ đó cho thấy, nếu anh Công đúng thì cơ quan chức năng sai... Như vậy, vụ án có nhiều vấn đặt ra cần được kiểm tra, xác minh làm rõ nên Chủ tọa phiên tòa đã quyết định hoãn phiên tòa, theo đề nghị của đại diện Viện KSND, để có thêm thời gian, làm rõ một số nội dung quan trọng của vụ án và được các luật sư đồng tình.

Các luật sư nói gì?

Trong phiên tòa sơ thẩm lần 3 ngày 19/10/2018, sau khi đại diện Viện KSND phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, đề nghị HĐXX tuyên Trần Văn Khang phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện GTĐB, theo khoản 1 Điều 9 Luật giao thông đường bộ, áp dụng Điểm C Khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt bị cáo Khang từ 3 đến 4 năm tù. Các luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Văn Khang đã phát biểu tranh luận. Luật sư Phúc nêu rõ: Ai đưa ông Công đi bệnh viện, khi xuất viện không nộp hồ sơ bệnh án mà đến ngày 22/11/2016 mới nộp cho Công an. Việc ông Công khai thấy xe tải phía trước chạy tốc độ cao, lấn đường, ông Công thắng gấp nên bị té, vết cày dài 30m nhưng ông Công vẫn nhìn thấy biển số xe gây tai nạn là không chính xác. Tại bút lục 323, 324, ông Công trình bày, khi xảy ra TNGT, xe va chạm rất mạnh là không đúng với thực tế, trong khi xe của Khang không có dấu trầy xước do va chạm. Các lời khai của ông Công có nhiều mâu thuẫn, không đáng tin cậy, không ai trực tiếp nhìn thấy vụ tai nạn nên xe tải biển số 69C-012.20 không va chạm là có cơ sở. Luật sư Dạ Thảo nhấn mạnh: Trong bản ảnh tử thi thể hiện là Hậu bị bể nửa đầu bên phải, không bị thương nửa người bên phải. Như vậy, khi xe cán chỉ ở một góc đầu của bà Hậu và chỉ có nửa bánh xe cán qua đầu bà Hậu, điều đó không thể nào các mẫu vật sinh học văng lên khắp gầm xe tải do bị cáo Khang điều khiển. Đối với xe chạy với vận tốc 50km/h thì chỉ trong 0,5 giây là xe đã đi qua hiện trường, không thể nào mẫu vật sinh học dính khắp gầm xe. Còn việc các mẫu vật dính trên xe của bị cáo Khang là do trong biên bản hiện trường thể hiện các mẫu vật sinh học của bà Hậu văng vãi trên bề mặt rộng 2,6m nên khi xe bị cáo Khang đi qua bánh xe cuốn lên.
 

Trụ sở TAND huyện Cái Nước


Luật sư Thuận không đồng ý với cáo trạng và luận tội của đại diện Viện KSND; việc nhận định bị cáo Khang chạy không đúng làn đường thì có ai nhìn thấy bị cáo chạy sai, đụng ở vị trí nào, lấn đường bao nhiêu mét nhưng Biên bản hiện trường, sơ đồ hiện trường không xác định được. Về nhân chứng trong vụ án có anh Diệp Từ Thuận (phụ xế) nắm rõ nhất, vì cùng ngồi trên xe với bị cáo Khang. Anh Thuận khẳng định khi đến thì tai nạn đã xảy ra rồi và các nhân chứng khác cũng khai khi xe của bị cáo Khang tới thì tai nạn đã xảy ra. Về diễn biến tâm lý, bị cáo đã điều khiển xe tới thị xã Giá Rai mới quay về, khoảng thời gian rất dài đã đủ cho bị cáo rửa sạch xe để xóa dấu vết nhưng bị cáo không thực hiện việc rửa xe. Điều đó chứng minh bị cáo không gây tai nạn, trong trường hợp này, cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, khi không đủ căn cứ để buộc tội bị cáo Khang. Vì vậy, đại diện Viện KSND huyện Cái Nước đề nghị xin rút hồ sơ lại để tiếp tục làm rõ một số tình tiết quan trọng của vụ án và được HĐXX chấp thuận.

Trong vụ án này, các luật sư không chỉ có trình độ pháp luật, pháp lý về khoa học luật hình sự và tố tụng hình sự mà phải có kinh nghiệm thực tiễn mới xác định được sự thật của vụ án, chứng minh bị cáo không phạm tội, có tính thuyết phục, là cả một hành trình khó khăn, vất vả, được người dân tin tưởng.

 

Tác giả bài viết: Yến Minh

Nguồn tin: https://hoanhap.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
VGS
MXHV
THÔNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập34
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay8,128
  • Tháng hiện tại99,421
  • Tổng lượt truy cập13,708,043
THĂM DÒ Ý KIẾN

Smartphone đáng mua nhất đầu năm 2020

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây