Vụ khiếu nại của bà Lê Thị Hà, ở xã Truông Mit, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh: Cần có quyết định giám đốc thẩm công tâm và đúng luật!

 Admin    Thứ bảy - 30/01/2021 20:57
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) ký nhưng người chuyển nhượng đất chưa nhận hết số tiền. Bất ngờ, nhận được thông báo, bị người mua đất khởi kiện ra tòa đòi lại phần đất mà chính người mua đất chưa trả số tiền thỏa thuận.
Vụ khiếu nại của bà Lê Thị Hà, ở xã Truông Mit, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh:  Cần có quyết định giám đốc thẩm công tâm và đúng luật!

 

Cần có quyết định giám đốc thẩm công tâm và đúng luật!
Bà Lê Thị Hà trình bày sự việc

Nội dung vụ việc

Ngày 23/3/2010, bà Lê Thị Hà và chồng là ông Nguyễn Văn Phước, ở ấp Thuận Hòa, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 5 ha đất trồng cây cao su cho bà Vương Thị Ngọc Thảo, thường trú tại đường Hoa Trà, phường 7, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ chí Minh, với giá 515.000.000 đồng/hecta, tổng số tiền là 2.570.000 đồng, thời hạn hợp đồng 1 tháng kể từ ngày đặt cọc. Cùng ngày, bà Thảo đưa 500.000.000 đồng tiền cọc cho bà Hà và ông Phước. Thực tế trong 5 ha đất trên, có 1,6 ha do ông Lê Văn Điệp, anh ruột bà Hà đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Tháng 4/2010, vợ chồng ông Phước, bà Hà thống nhất với bà Thảo, trong diện tích 5 ha theo hợp đồng đặt cọc ngày 23/3/2010, chỉ có diện tích 3,4 ha (34.000m2) đủ điều kiện thực hiện hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, với giá trị chuyển nhượng là 1.765.986.500 đồng. Nhưng thực tế, bà Thảo mới trả cho bà Hà 1.600.000.000 đồng, bà Thảo còn thiếu nợ bà Hà, ông Phước là 165.991.500 đồng.

Ngày 25/5/2010, UBND huyện Dương Minh Châu cấp sổ đỏ cho bà Thảo với diện tích 34.000m2.

Tuy nhiên, bà Thảo khởi kiện “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, với ông Phước và bà Hà. TAND huyện Dương Minh Châu thụ lý, xét xử và có Bản án số 03/2015/DS-ST ngày 15/1/2015.

Đơn khởi kiện bà Thảo nêu lí do: “Biên bản bổ sung lần 2 cho Hợp đồng đặt cọc với nội dung tại Điều 3 có ghi: “Bên A có trách nhiệm hoàn tất đầy đủ thủ tục pháp lý diện tích còn lại của thửa đất 51.599m2 để thực hiện chuyển nhượng cho bên B, theo đúng hợp đồng đặt cọc đã ký 23/3/2010 và biên bản bồ sung lần 1 đã ký ngày 15/4/2010. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hôm nay 9/6/2010. Nếu quá thời hạn trên bên A hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Trong biên bản phụ lục hợp đồng này có nội dung “ Nếu ông Phước, bà Hà không đồng ý chuyển nhượng tiếp diện tích đất cao su 16.000m2 thì phải mất số tiền 151.000.000 đồng” .

Hợp đồng trái luật…

Trong 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, đều có chung nhận định và quyết định công nhận bà Thảo và ông Tương được quyền sử dụng diện tích đất 34.000m2 trồng cao su, tọa lạc tại ấp Thuận An, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.

Tại Bản án số 156/2015/DS-PT ngày 19/6/2015 của TAND tỉnh Tây Ninh công nhận bà Thảo và ông Tương tự nguyện trả cho ông Phước và bà Hà số tiền 151.000.000 đồng nêu trên.

Luật sư Trần Hưng, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Điều 332 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Quyền đòi lại tài sản nêu rõ “ Trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận thì bên bán có quyền đòi lại tài sản. Bên bán hoàn trả lại cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng. Trường hợp bên mua làm mất, hư hỏng tài sản thì bến bán có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Như vậy, theo quy định của pháp luật việc ông Phước, bà Hà đòi lại 3.225m2 đất trong tổng số 34.000 m2 đất đã chuyển nhượng cho bà Thảo và ông Tương là có căn cứ. Vì rằng, bà Thảo và ông Tương chưa thực hiện quyền và nghĩa vụ của bên mua tài sản.

Không đồng ý với hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bà Hà gửi đơn đến TAND Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xin kháng nghị quyết định giám đốc thẩm. Trong đơn, bà Hà cho nêu nguyên nhân: Trong phiên xét xử lần 1 vào ngày 16/9/2015, thời gian này vợ chồng bà Hà đang chăm nuôi mẹ bệnh, có đơn xin hoãn phiên tòa. Tuy nhiên sau đó, bà Hà và ông Phước không nhận được văn bản tống đạt nào của TAND tỉnh Tây Ninh. Và bà Thảo chỉ khởi yêu cầu giao đất, nhưng Tòa phúc thẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh tuyên buộc giao đất và cao su trên đất là vượt quá phạm vi yêu cầu của bà Thảo.

Luật sư Trần Hưng nhận định Tòa án nhân dân 2 cấp ở tỉnh Tây Ninh đã áp dụng sai các điều luật trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Việc bà Hà , ông Phước làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 34.000 m2 đất cho bà Thảo, nhưng bà Thảo chưa làm đúng nghĩa vụ của người mua. Cụ thể tại Chương nghĩa vụ và hợp đồng, Điều 275, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định : “Các căn cứ phát sinh nghĩa vụ; hợp đồng”. Việc ông Phước, bà Hà làm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ với diện tích trên đã phát sinh nghĩa vụ; và bà Thảo chưa làm hết trách nhiệm của mình là thực hiện nghĩa vụ trả xong phần tiền cho bà Hà.

Do vậy, đề nghị TAND Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cần xem xét và có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đúng luật và công tâm đối với vụ án trên.

 

Tác giả bài viết: Mạnh Hùng

Nguồn tin: https://ngaymoionline.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
VGS
MXHV
THÔNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay7,883
  • Tháng hiện tại80,613
  • Tổng lượt truy cập14,190,125
THĂM DÒ Ý KIẾN

Top mạng xã hội cập nhật xu hướng, tin tức, giải trí phổ biến 2020?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây