Trở về thăm Huế mộng mơ
Cố đô xa cách mong chờ bấy nay
Sông Hương Núi Ngự còn đây
Êm đềm tha thiết đắm say lòng người
Hoàng Thành rêu phủ xanh rồi
Mấy trăm năm vẫn rạng ngời dấu xưa
Ngọ Môn đứng giữa nắng mưa
Chứng nhân bao sự sao đưa vật dời
Cửu Đỉnh linh khí đất trời
Báu vật truyền giữ ngàn đời còn nguyên
Cổ tự Thiên Mụ linh thiêng
Tiếng chuông trầm bổng, tháp riêng mãi còn
Ngắm đồi Vọng Cảnh hoàng hôn
Khói sương e ấp nước non tỏ mờ
Thái Bình Lâu chốn văn thơ
Đàn Nam Giao đứng bơ vơ nhớ người
Tiền nhân tiếp nối truyền đời
Mở mang bờ cõi, đền đài tẩm lăng
Trường Tiền uốn nhịp cong cong
Phượng hồng soi bóng dòng sông bến đò
Vân Lâu khách đợi khách chờ
Thuyền nan rẽ sóng mộng mơ hát đàn
Áo dài gió thoảng mơn man
Nghiêng nghiêng vành nón chứa chan nỗi lòng
Mái Nhì man mác trên sông
Dập dồn Mái Đẩy như không bến bờ
Tang bồng gặp khách văn thơ
Hàn huyên ngữ nghĩa mong chờ chốn tiên
Đông Ba đón khách khắp miền
Bán mua tấp nập xe thuyền bến vui
Xuôi cầu Gia Hội gần thôi
Về qua Đập Đá tới nơi Làng Sình
Cồn Hến – Vĩ Dạ xinh xinh
Có cô gái Huế dáng hình thướt tha
Tiếng nghe nhỏ nhẹ ngân nga
Dạ thưa…duyên dáng thiết tha đón chào
Huế ơi mong nhớ biết bao
Nhìn vào đôi mắt dâng trào… Huế thương.
NĐT.2024
Bài Thơ do Tiến sĩ luật, Viện trưởng viện KSND Cần Thơ tặng Hội đồng tư vấn Ban giám đốc Trung Tâm UNESCO Văn Hoá Thông Tin Truyền Thông
Sau khi đọc bài thơ Huế Thương, Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Văn Đảm,Viện trưởng Viện 4.Viện KSND Cấp Cao Tại TP.HCM, Hội đồng tư vấn Trung Tâm UNESCO Văn Hoá Và Thông Tin Truyền Thông đã có cảm nhận:
Bài thơ “Huế Thương” của tác giả Nguyễn Đình Trung là một tác phẩm tràn đầy cảm xúc và tình yêu đối với vùng đất cố đô Huế. Tác giả đã sử dụng ngôn từ mượt mà, hình ảnh giàu chất thơ và nhịp điệu uyển chuyển để khắc họa vẻ đẹp, lịch sử và hồn cốt của Huế. – Bài thơ là một bức tranh toàn cảnh về Huế, bao gồm: Vẻ đẹp thiên nhiên: Sông Hương, Núi Ngự, Đồi Vọng Cảnh, và hoàng hôn mờ sương tạo nên khung cảnh nên thơ, gợi cảm giác yên bình và sâu lắng. Nói đến di sản văn hóa – lịch sử: Tác giả nhắc đến Hoàng Thành, Ngọ Môn, Cửu Đỉnh, Thiên Mụ, và các di tích mang đậm dấu ấn thời gian, thể hiện sự trân trọng với giá trị truyền thống. Nói đến nét đẹp con người Huế tác giã đã khắc họa hình ảnh “cô gái Huế dáng hình thướt tha” cùng giọng nói “nhỏ nhẹ ngân nga” làm nổi bật sự duyên dáng, dịu dàng của người dân nơi đây. Bài thơ vừa khơi gợi niềm tự hào về cố đô, vừa gợi nhớ một Huế mộng mơ, đậm chất thơ trong tâm hồn mỗi người. – Bài thơ sử dụng từ ngữ giản dị nhưng giàu cảm xúc, như “êm đềm”, “tha thiết”, “đắm say”, “linh thiêng”, “man mác” – giúp truyền tải được tình yêu chân thành với Huế. Các hình ảnh như “Hoàng Thành rêu phủ”, “Ngọ Môn giữa nắng mưa”, “Áo dài gió thoảng”, “Mái Nhì man mác trên sông” đều gợi lên nét đặc trưng của Huế, khiến người đọc dễ dàng hình dung và cảm nhận. Nói về biểu tượng lịch sử tác giã sử dụng: Cửu Đỉnh, Đàn Nam Giao, chùa Thiên Mụ – không chỉ là các địa danh mà còn mang giá trị biểu tượng văn hóa, lịch sử sâu sắc. – Về âm điệu và nhịp điệu: Bài thơ viết theo thể lục bát truyền thống, nhịp nhàng, dễ đi vào lòng người. Nhịp điệu chậm rãi, tựa như dòng sông Hương êm đềm, giúp người đọc cảm nhận rõ nét sự nhẹ nhàng, sâu lắng của vùng đất cố đô. – Về tâm hồn và cảm xúc: Tác giả đã bày tỏ một tình yêu chân thành với Huế – vừa trân trọng lịch sử, vừa say đắm với vẻ đẹp thiên nhiên và con người. Nỗi nhớ “Huế thương” dâng trào qua từng câu thơ, khiến bài thơ không chỉ là một bài tả cảnh mà còn là lời tâm tình của người con xa xứ hướng về quê hương.
Bài thơ tái hiện được vẻ đẹp tổng thể của Huế qua cảnh vật, con người, và lịch sử. Ngôn từ đẹp, giàu cảm xúc, phù hợp với thể lục bát truyền thống, mang lại cảm giác gần gũi, dễ đồng cảm với người đọc. Có thể khẳng định bài thơ “Huế Thương” là một bài thơ thành công trong việc truyền tải tình yêu với Huế. Đây là một tác phẩm giàu giá trị thẩm mỹ, lịch sử và cảm xúc, dễ chạm đến tâm hồn của những người yêu văn hóa và mến mộ vẻ đẹp của vùng đất cố đô!
*Nguồn ảnh minh hoạ sưu tầm từ Internet
Trung Tâm UNESCO Văn Hoá Thông Tin Truyền Thông
https://unescovtt.net/bai-tho-hue-thuong/