Dư luận địa phương thắc mắc?
Ngày 27/11/2019 Ủy ban Thẩm phán Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Hàm Thuận Bắc và Bản án Phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận, đối với vụ Huỳnh Thúc Mẫn (cựu Chủ tịch UBND xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) và Dương Ngọc Như Hiền (cựu kế toán xã La Dạ) tráo máy phát cho dân nghèo. Sau đó, cơ quan Đảng và chính quyền huyện Hàm Thuận Bắc đã hủy các quyết định kỹ luật Đảng và Công chức cho Ông Mẫn và Bà Hiền. Nhưng ngày 22/2/2021 Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc lại phê chuẩn Quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” mà trước đó họ đã kiên quyết không phê chuẩn và cũng trong ngày 22 Cơ quan CSĐT công an huyện Hàm Thuận Bắc đã hoàn tất Kết luận điều tra số 39 đối với Bị can Mẫn và Hiền. Việc này, khiến dư luận địa phương lại đặt dấu hỏi với cách “hành xử” của các cơ quan tố tụng huyện Hàm Thuận Bắc.
Dưới cách nhìn của cơ quan tố tụng huyện Hàm Thuận Bắc lúc nào Bị can Mẫn và Hiền là phạm tội. Mặc dù việc có tội là trách nhiệm phải chứng minh theo luật định của các Cơ quan tố tụng. Khi phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” vào năm 2017 thì cũng chỉ Mẫn và Hiền. Tới đổi tội danh ““Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” năm 2021 cũng chỉ Mẫn và Hiền. Trách nhiệm chứng minh tính có lỗi của người bị buộc tội thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Người bị buộc tội không buộc phải chứng minh mình là vô tội. Tất cả các nghi ngờ đều được giải thích theo hướng có lợi cho người bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi sự buộc tội phải dựa trên những chứng cứ xác thực không còn nghi ngờ. Mọi sự nghi ngờ đối với người phạm tội đều phải được kiểm tra, chứng minh làm rõ. Nếu không chứng minh làm rõ được sự nghi ngờ thì sự nghi ngờ đối với người phạm tội phải được giải thích theo hướng có lợi cho họ.
Bản Kết luận điều tra số 39 ngày 22/02/2021 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Bắc, nhận định: Bị can Huỳnh Thúc Mẫn thiếu trách nhiệm trong khi tổ chức thực hiện, thể hiện trong việc ký kết hợp đồng mua bán tài sản sơ hở thiếu chặt chẽ (Không kiểm tra năng lực của đơn vị cung ứng; các điều khoản trong hợp đồng không chi tiết cụ thể về nguồn gốc, xuất xứ và các đặc điểm kỹ thuật máy móc) khi nhận tài sản không phân công người kiểm tra đối chiếu từng loại máy móc dẫn đến việc nhập máy móc nông cụ kém chất lượng không đúng giá trị thực tạo chênh lệch giá, đã gây ra thiệt hại về tài sản với tổng số tiền 780 triệu. Bị can Dương Ngọc Như Hiền là Kế toán của xã thực hiện nhiệm vụ quyết toán thu, chi ngân sách và quản lý hoạt động tài chính của xã đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, biết việc ký kết hợp đồng là không đúng quy định nhưng vẫn cùng Hồ Minh Thắng soạn thảo hợp đồng mua máy móc, không trực tiếp tham mưu hoặc kiểm tra thực tế khả năng đáp ứng thực hiện hợp đồng của cơ sở Minh Thắng, thực hiện không hết chức trách nhiệm vụ “hợp lý hóa” hồ sơ hợp đồng lập 02 hồ sơ quyết toán với Kho bạc nhà nước huyện Hàm Thuận Bắc để rút tiền bỏ mặc cho hậu quả xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng, gây thiệt hại số tiền 280 triệu.
Bên cạnh đó, Cơ quan CSĐT huyện Hàm Thuận Bắc lại tự cho rằng các cán bộ cùng thực hiện nhiệm vụ Quyết định 755/QĐ-TTg với Bị can Mẫn và Hiền là hành vi thiếu trách nhiệm “tắc trách” của các thành viên khi tham gia nghiệm thu, giám sát xét thấy chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và cấp ủy và chánh quyền đã có hình thức xử lý. Tại sao Mẫn và Hiền lại không được cái “đặc ân” như các thành viên khác. Dư luận đang đặt nghi ngờ, có hay chăng việc Cơ quan tố tụng huyện Hàm Thuận Bắc đã phóng lao giờ phải theo lao, nên họ cố tình buộc tội cho Mẫn và Hiền, để tránh khiếu nại về oan sai và báo cáo thành tích cấp trên.
Các chuyên viên luật, các luật sư và các cơ quan báo chí đã có một loạt bài phân tích về tội danh truy tố, bõ lọt tội phạm “Lừa dối khách hàng” của cơ quan tố tụng Hàm Thuận Bắc và ngày 27/11/2019 Ủy ban Thẩm phán Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh có Quyết định giám đốc thẩm số136/2019/HS-GĐT hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Hàm Thuận Bắc và Bản án Phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận. Đề nghị điều tra làm rõ vai trò của UBND tỉnh Bình Thuận, UBND huyện Hàm Thuận Bắc, Phòng Dân tộc huyện Hàm Thuận Bắc có chủ trương cho UBND cấp xã trên toàn tỉnh mua máy cấp cho dân hay không, nếu có thì trách nhiệm của các cơ quan này thế nào và trách nhiệm của UBND xã trên cơ sở đó mới xem xét trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự đối với Huỳnh Thúc Mẫn và Dương Ngọc Như Hiền.
Tuy nhiên, để “chống chế” với Quyết định giám đốc thẩm, cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Bắc đã thay đổi cho phù hợp với phân tích: “Hành vi của bị can Mẫn có làm trái quy định về việc cấp tiền sang cấp máy nhưng xét thấy mục đích của chương trình hỗ trợ là để các hộ dân có máy móc nông cụ sản xuất phục vụ đời sống sinh hoạt, vì vậy khi triển khai thực hiện Huỳnh Thúc Mẫn ký hợp đồng mua máy móc, nông cụ để cấp phát cho các hộ dân mà không phát tiền là phù hợp (quy đổi đủ số tiền ra hiện vật) đáp ứng được điều kiện thực tế của địa phương”. Như vậy, Bị can Mẫn cũng đều có nhiệm vụ như: Nguyễn Văn Tấn là Trưởng phòng Dân tộc huyện Hàm Thuận Bắc; Võ Ngọc Bách là Phó Phòng Tài chính – Kế hoạch; Trần Thanh Hồng – Chuyên viên Phòng Kinh tế hạ tầng; Trần Đăng Thụ - Chuyên viên Phòng NN& PTNT…Về phí xã: Phó Chủ tịch Xim Miên; Bờ Đam Thị Hẹp… Cơ quan CSĐT cần xác định đây là nhiệm vụ thực hiện hoàn toàn theo chỉ đạo trực tiếp của UBND huyện tại Công văn số 51/UBND-KT ngày 13/01/2016 và Quyết định số: 4054/QĐ-UBND ngày 13/7/2016 của UBND huyện Hàm Thuận Bắc về việc bổ sung kinh phí cho các xã, thị trấn để hỗ trợ mua sắm máy móc công cụ và hỗ trợ nước phân tán cho đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo QĐ 755.
Sau khi xét xử TAND huyện Hàm Thuận Bắc có Kiến nghị số 254/KN-TA ngày 11/10/2018 đề nghị Cơ quan điều tra Công an huyện Hàm Thuận Bắc điều tra hành vi phạm tội của Hồ Minh Thắng và Nguyễn Văn Tấn. Tại Kết luận Điều tra số 39 ngày 22/02/2021 cũng nhận định Ông Nguyễn Văn Tấn là người trực tiếp hướng dẫn và giám sát thực hiện. Vậy ông Tấn có hoàn thành nhiệm vụ được giao hay chưa? Và hoàn thành ở mức độ nào, so với nhiệm vụ của ông Mẫn?
Nhiều câu hỏi cần làm rõ?
Ngày 13/3/2017, UBND huyện Hàm Thuận Bắc có Công văn gửi Công an huyện Hàm Thuận Bắc kiến nghị khởi tố ông Hồ Minh Thắng vụ tráo máy nông cụ có dấu hiệu hành vi “Lừa dối khách hàng” theo Điều 162 Bộ luật hình sự 1999.
Ngày 02/10/2017 Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Bắc ra Quyết định Bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 03, Với nội dung khởi tố bổ sung vụ án hình sự tội “Lừa dối khách hàng” xảy ra tại xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc tháng 12/2016 - Bổ sung Quyết định khởi tố vụ án Hình sự số 76 ngày 26/9/2017.
Ngày 04/10/2017, Viện KSND huyện Hàm Thuận Bắc có Công văn số 03/CV-KSĐT với nội dung: Yêu cầu bổ sung tài liệu làm rõ căn cứ khởi tố vụ án.
Ngày 14/11/2017, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Bắc có Công văn số 475 gửi Viện KSND huyện Hàm Thuận Bắc phân tích các căn cứ pháp lý việc khởi tố tội “Lừa dối khách hàng” của Ông Hồ Minh Thắng là có căn cứ theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, Ngày 29/12/2017, Viện KSND huyện Hàm Thuận Bắc có Quyết định số 01/QĐ/VKS-KSND hủy bõ Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án số 03 ngày 02/10/2017 về tội “Lừa dối khách hàng” Với lý do là Ông Hồ Minh Thắng không gian dối, bớt xén giá trị máy móc, nông cụ khi giao so với nội dung Hợp đồng đã ký nên không có dấu hiệu của tội “Lừa dối khách hàng”.
Tiếp tục sau khi xét xử sơ thẩm, TAND huyện Hàm Thuận Bắc có Kiến nghị số 254/KN-TA ngày 11/10/2018 đề nghị Cơ quan điều tra Công an huyện Hàm Thuận Bắc điều tra hành vi phạm tội của Hồ Minh Thắng và Nguyễn Văn Tấn.
Tiếp tục tháng 2/2021 Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố tội “Lừa dối khách hàng”. Nhưng Viện Kiểm sát lại tiếp tục “bảo lưu quan điểm” không phê chuẩn khởi tố tội “Lừa dối khách hàng” đối với Hồ Minh Thắng. Ở đây, Hồ Minh Thắng đã chủ động trước để cung cấp hàng nhái nhãn hiệu Honda có giá trị thấp, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ với mục đích tư lợi thì hậu quả có xảy ra hay không? Cụ thể ngày 9/12/2016 trước khi ký Hợp đồng với UBND xã La Dạ. Hồ Minh Thắng đã ký Hợp đồng thỏa thuận với Cơ sở Tiến Đạt của Bà Lê Thị Dung phân chia lợi nhuận được từ việc cung cấp máy móc nông cụ hàng trôi nỗi, không xuất xứ 50/50.
Chẳng lẽ, chỉ căn cứ vào biên bản nghiệm thu của cả Hội đồng là hàng còn nguyên đai, nguyên kiện đúng theo Hợp đồng số 02/HĐMB ngày 16/12/2016 đã ký với UBND xã La Dạ, mới 100%. Do đó, Hồ Minh Thắng không gian dối, bớt xén giá trị máy móc, nông cụ khi giao so với hợp đồng nên không có dấu hiệu tội “Lừa dối khách hàng”. Hay Viện kiểm sát Hàm Thuận Bắc, cho rằng Hồ Minh Thắng đã khắc phục hậu quả nên không truy cứu trách nhiệm hình sự, vậy hễ phát hiện được thì đền bù, không phát hiện thì thu phi lợi nhuận.
Trên tờ Nhân đạo và Đời sống có bài đăng ngày 9/1/2020 từng có ý kiến: "Thiết nghĩ, các Cơ quan tố tụng huyện Hàm Thuận Bắc và tỉnh Bình Thuận cần sửa sai và xem xét đánh giá một cách khách quan toàn diện vụ án. Hơn thế nữa, cấp Đảng bộ và chính quyền huyện Hàm Thuận Bắc sớm khôi phục quyền lợi cho ông Huỳnh Thúc Mẫn và bà Dương Ngọc Như Hiền, nhằm thể hiện sự khách quan, công bằng và thượng tôn pháp luật./"
Link nguồn tham khảo cho bài viết:
https://nhandaovadoisong.vn/doi-song/vu-an-la-co-dau-hieu-bo-lot-toi-pham-o-binh-thuan-21812
https://plo.vn/phap-luat/phuc-hoi-dang-cho-cuu-chu-tich-xa-bi-bat-giam-ket-an-921417.html
https://plo.vn/phap-luat/toa-cap-cao-huy-an-vu-quan-xa-trao-may-dom-cho-dan-882384.html
Tác giả bài viết: NGUYỄN QUÂN