Về việc dùng “Tôn chỉ, mục đích” để hành xử với báo chí

 Admin    Thứ hai - 21/12/2020 05:27
Thời gian qua, có một số các cơ quan, tổ chức ở địa phương sử dụng cụm từ “Tôn chỉ, mục đích” với những hiểu biết không đúng nhằm né tránh trách nhiệm, cản trở hoạt động tác nghiệp của báo chí trái pháp luật, gây bất bình trong dư luận và đội ngũ những người làm báo chân chính. 
Về việc dùng “Tôn chỉ, mục đích” để hành xử với báo chí

 

Về việc dùng “Tôn chỉ, mục đích” để hành xử với báo chí

Ảnh minh họa

Sai lầm lớn của những cá nhân đại diện cho các cơ quan, các tổ chức này bắt nguồn từ nhận thức hiểu biết rất hạn chế về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của người làm báo, của cơ quan báo chí theo Hiến pháp và Luật Báo chí.

Điều đáng nói nhất là những cơ quan, đơn vị, cá nhân này đang hiểu quá lệch lạc về phương tiện truyền tải thông tin báo chí, như tạp chí, thời báo, nhật báo, đài phát thanh, đài truyền hình hay báo điện tử (website)… Họ mặc nhiên so sánh thứ bậc, xem trọng đài truyền hình “to” hơn đài phát thanh, hay nhật báo – thời báo “có từ báo” mặc định là “phải to” hơn tạp chí. Chính từ lý do này mà nhiều người đang nhầm lẫn khi cho rằng, tạp chí không được làm phản biện xã hội, không được điều tra các sai phạm pháp luật, phản ánh tiêu cực, dẫn tới việc hành xử với phóng viên nhà báo, với cơ quan báo chí theo kiểu “xem thường” tạp chí. Trong khi thực tế lại quên mất rằng thế mạnh của tạp chí là tính chuyên sâu trong phản biện xã hội! 

Điều cần khẳng định: Báo chí là tên gọi chung của các thể loại thông tin đại chúng, các thể loại báo chí bao gồm báo viết, báo nói, báo hình, báo mạng điện tử … đều được Nhà nước cấp phép hoạt động, như nhật báo, tạp chí, đài phát thanh, đài truyền hình… Như vậy không thể có bất kỳ sự phân biệt nào liên quan tới tạp chí không được tác nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí, hay cơ quan báo chí này “to” hơn cơ quan tạp chí kia. Cụ thể, tại điểm c và d, Khoản 2 Điều 4 Luật Báo chí 2016 nêu rõ về nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan báo chí:

c) Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân;

d) Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội;

Mặt khác, nghiệp vụ của báo chí là: tìm hiểu thông tin, phân tích thông tin và phổ biến thông tin đến độc giả có tính công khai, tính thời sự, tính tương tác, tính đa dạng, tính định kỳ… Vì vậy, nếu có phân biệt thì là phân biệt năng lực phẩm chất của người làm báo, chứ không phải là phân biệt “Tôn chỉ, mục đích” hay tên gọi của cơ quan báo chí.

Còn việc phân định “Tôn chỉ, mục đích” của các cơ quan báo chí, là cơ quan quản lý về báo chí mong muốn cơ quan báo chí tập trung chuyên sâu vào lĩnh vực hoạt động của mình (Chủ quản của cơ quan báo), nhằm phát huy những khả năng vốn có để thúc đẩy tích cực hơn vai trò báo chí trong thời kỳ đổi mới. Điều đó không có nghĩa rằng phóng viên nhà báo của một cơ quan báo chí nào đó khi không đúng “Tôn chỉ, mục đích” thì không được tác nghiệp ngoài lĩnh vực thuộc phạm vi “Tôn chỉ, mục đích” của mình, đặc biệt là vấn đề chống tiêu cực. Điều quan trọng là việc phản ánh của báo chí đảm bảo đúng đắn, trung thực, với động cơ mang tính xây dựng để hoạt động thực tiễn ngày một tốt hơn, việc chấp hành chính sách, pháp luật nghiêm minh hơn.

Từ những nhận thức không đúng như đã nêu, thời gian qua ở nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Ninh, đã ban hành các văn bản liên quan tới “Tôn chỉ, mục đích” của các cơ quan báo chí, phải chăng là để nhằm né tránh trách nhiệm, “bảo kê” những sai phạm?. Có văn bản còn liệt kê tên nhiều cơ quan báo chí liên đới đến “Tôn chỉ, mục đích” gửi về Bộ Thông Tin và Truyền Thông để “xin trợ giúp” xử lý. Trong khi, ngay trong số các cơ quan báo chí Quảng Ninh liệt kê đó, có cả những đơn vị báo chí mà “tôn chỉ mục đích”, dù hiểu đơn giản nhất vẫn hoàn toàn phù hợp với công việc cơ quan báo chí đó định thực hiện (theo giấy giới thiệu). Đồng thời tỉnh Quảng Ninh còn ban hành những văn bản riêng để gửi cho từng cơ quan báo chí nhằm “nhắc nhở” về “Tôn chỉ, mục đích” của các cơ quan báo chí đó…

Việc ban hành những văn bản như vậy của một số địa phương và của các cơ quan tỉnh Quảng Ninh vô hình chung dẫn tới sự cản trở hoạt động của báo chí, thể hiện sự vi phạm về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được quy định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, vi phạm về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan báo chí đã được quy định trong Luật Báo chí 2016.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thắng

Nguồn tin: https://phapluatquanly.vietnamhoinhap.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
VGS
MXHV
THÔNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập68
  • Hôm nay6,937
  • Tháng hiện tại143,459
  • Tổng lượt truy cập14,037,979
THĂM DÒ Ý KIẾN

Top mạng xã hội cập nhật xu hướng, tin tức, giải trí phổ biến 2020?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây