Đơn kêu cứu của bà bà Trần Thị Thanh Tuyền |
Năm 1982, chính quyền xã Dương Tơ (lúc bấy giờ) yêu cầu gia đình bà Tuyền phải di dời nhà đi nơi khác (do gần Khu Quân sự Hải quân Vùng 5). Sau đó, gia đình bà Tuyền di dời đến khu vực Giáng Tiên, cách khu đất trên khoảng 500m cất nhà tạm để ở. Trong thời gian này, gia đình bà Tuyền vẫn tiếp tục ra vào khu đất để canh tác, trồng trọt hoa màu, cây trái để cải thiện kinh tế gia đình.
Đến năm 1990, chính quyền địa phương tiếp tục yêu cầu gia đình bà Tuyền di dời nhà đi nơi khác, do khu vực Giáng Tiên mà gia đình bà đang sinh sống vẫn thuộc khu quân sự của Hải quân. Theo bà Tuyền, khi đó chính quyền địa phương hứa sẽ cấp cho gia đình bà một căn nhà và đất để ở và làm ăn sinh sống; tuy nhiên sau đó thì lại không cấp vì cho rằng gia đình bà Tuyền chưa có hộ khẩu. Từ đó, gia đình bà Tuyền phải đành thuê nhà để ở sinh sống qua ngày, nhưng vẫn thường xuyên ra vào, tiếp tục chăm sóc cây trồng tại khu đất nêu trên.
Đến năm 2001, gia đình bà Tuyền tiếp tục đầu tư mở rộng trồng thêm cây trái (Tràm bông vàng, Xoài, Mít..) trên toàn bộ khu đất và thu hoạch hằng năm từ việc trồng các loại cây nông nghiệp này. Vào năm 2013, Chủ tịch UBND thị trấn An Thới có mời nhiều người dân địa phương trong đó có gia đình bà Tuyền lên UBND xã để họp và thông báo người dân nào có đất khai khẩn từ Bãi Khem đến núi Ông Đội (vị trí khu đất mà gia đình bà Tuyền đã khai hoang vào năm 1980) thì làm đơn xin nhận lại đất, UBND thị trấn sẽ xem xét cấp giấy tờ.
Theo bà Tuyền, bẵng đi nhiều năm, UBND thị trấn An Thới cũng không tiến hành cấp giấy tờ gì dù người dân đã nộp đơn xin cấp giấy tờ cho những khu đất mà người dân đang sử dụng. Đến tháng 7/2017, có một số người tự xưng là cán bộ Vùng 5 Hải quân (?) vào khu đất nêu trên và buộc gia đình bà Tuyền phải dỡ nhà và dời đi nơi khác; sau đó họ dỡ bỏ căn nhà, chặt bỏ những cây trồng của gia đình bà Tuyền đã trồng trên đó, đồng thời cho đào và xây dựng một số lô cốt chặn ngay đầu đường lối vào khu đất (giáp với Công ty Mặt Trời Phú Quốc) và chặn lối vào, không cho gia đình bà Tuyền ra vào canh tác trên phần đất này.
Bức xúc vì không được bồi thường gì về lợi tức về những cây trồng, hoa màu do gia đình đang canh tác từ nhiều năm, gia đình bà Tuyền đã làm đơn khiếu nại gửi đến các cấp, các ngành từ địa phương đến Trung ương. Tuy nhiên, hiện các cấp, các ngành ở địa phương vẫn rất lúng túng, chưa có biện pháp giải quyết triệt để.
Khu đất mà người dân cho rằng đã khai hoang từ năm 1980 hiện đã có chốt, rào chắn không cho ra vào |
Theo hồ sơ người dân cung cấp cho PV. Ngày 6/12/2018, Bộ Tư lệnh Vùng 5 có văn bản trả lời về việc giải quyết đơn kiến nghị của ông Trần Ngọc Ẩn (cha ruột bà Tuyền), trong đó có nội dung: Khu vực đất Mũi Dương có nguồn gốc từ sau giải phóng năm 1975, do Hải đoàn 133, Cục Kinh tế Quân chủng Hải quân tiếp nhận từ chế độ cũ quản lý và khai thác sử dụng. Do yêu cầu nhiệm vụ, ngày 01/4/1992, Hải đoàn 133 giải thể, Quân chủng Hải quân đã giao toàn bộ đất và doanh trại cho Vùng 5 Hải quân quản lý. Đến ngày 20/11/1996, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 872/TTg giao cho Vùng 5 quản lý 22 vị trí đất quốc phòng trên địa bàn huyện Phú Quốc, trong đó có khu vực đất Mũi Dương. Vùng 5 Hải quân đã quản lý và sử dụng liên tục ổn định từ đó đến nay, không có bất kỳ hộ dân nào làm nhà và canh tác hay sinh sống trong khu vực Mũi Dương.
Tại văn bản này cũng nêu lên, thửa đất do gia đình ông Ẩn cho rằng đã khai khẩn năm 1980, có trồng cây trái, cất nhà trên đất và đã bị một số chiến sỹ Vùng 5 Hải quân vào chặt phá cây, tháo dỡ nhà là hoàn toàn sai sự thật, không có cơ sở, và khu đất Mũi Dương (khu đất mà ông Ẩn khiếu nại) đã được UBND tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số T00014/QSDĐ cho Vùng 5 Hải quân quản lý.
Tuy nhiên bà Trần Thị Thanh Tuyền lại bức xúc cho rằng: “Vùng 5 Hải quân thì cho rằng khu đất của Cha tôi đang thuộc Vùng 5 Hải quân quản lý và được UBND tỉnh Kiên Giang cấp sổ (số: T00014/QSDĐ). Nhưng Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - ông Đinh Khoa Toàn lại cho rằng: “Nguồn gốc đất ông Trần Ngọc Ẩn đang khiếu nại do Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý theo Quyết định 2163/QĐ-UB ngày 18/6/1998, được UBND tỉnh Kiên Giang cấp GCNQSDĐ số BL609256 cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc, vào ngày 06/03/2013 (theo báo cáo số 445/BC-UBND)”. Chẳng lẽ cũng cùng một khu đất mà nhà nước lại cấp 2 giấy chứng nhận QSDĐ cho 2 đơn vị khác nhau (giấy CNQSDĐ số: T00014/QSDĐ cấp cho Bộ Tư lệnh Vùng 5 và CNQSDĐ số BL609256 cấp cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc) hay sao?
Để tìm câu trả lời có hay không một khu đất nhưng lại có 2 giấy chứng nhận, PV đã tìm đến Bộ Tư lệnh Vùng 5 và Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc (nay là BQL Vườn Quốc gia Phú Quốc) để tìm hiểu thông tin, nhưng không gặp được lãnh đạo hai đơn vị này, đại diện hai đơn vị này chỉ ghi nhận thông tin, câu hỏi của PV về vụ việc và sẽ phúc đáp sau. Tuy nhiên, đã nhiều ngày trôi qua chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức từ hai đơn vị này.
Hiện nay gia đình bà Tuyền đang mỏi mòn chờ đợi, chính quyền các cấp, các ngành quan tâm xem xét, sớm chỉ đạo giải quyết vụ việc, nhất là việc cho kiểm tra, đo đạc toàn bộ khu vực đất của Hải quân Vùng 5 đang quản lý (theo diện tích mà UBND tỉnh Kiên Giang đã giao và cấp QSDĐ); đồng thời, cho cắm mốc cụ thể để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân.
Trước những nguyện vọng chính đáng của người dân. Đề nghị các cơ quan chức năng đo đạc kiểm tra, rà soát lại việc có hay không trên cùng một thửa đất mà lại có 2 giấy chứng nhận QSDĐ được cấp cho 2 đơn vị khác nhau? Đồng thời, xem xét sớm giải quyết khiếu nại của người dân khi họ cho rằng quyền lợi của mình đang bị xâm phạm.
PV sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi nhận được phúc đáp từ các đơn vị có liên quan.
Trước đó, ngày 13/03/2016, ông Trần Ngọc Ẩn và ông Nguyễn Thanh Diệp (thường trú tại khu phố Ba Hòn, thị trấn Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) có phát sinh tranh chấp với nhau về quyền sử dụng khu đất nêu trên. Ngày 11/2013, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc đã có Công văn số 188/CV-BQL trả lời đơn của hộ ông Nguyễn Thành Diệp, theo đó xác định vị trí khu đất có tổng diện tích 19ha được xác định gồm có 15.8ha nằm trong ranh giới rừng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BL609256 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc do UBND tỉnh Kiên Giang cấp ngày 06/03/2013, trong đó có 3,2ha nằm ngoài dự án rừng phòng hộ, hiện trạng có cây rừng tự nhiên xen lẫn cây trồng như: tràm bông vàng, đảo, xoài... rải rác.
Ngày 13/03/2016, Công ty TNHH Mặt trời Phú Quốc đã hợp đồng với ông Nguyễn Thanh Diệp về việc thuê đất; sau đó Công ty Mặt trời Phú Quốc vào thửa đất trên để sang lấp cây trồng thì ông Trần Ngọc Ẩn phát hiện nên ngăn cản và làm đơn khiếu nại yêu cầu Công ty bồi thường cây trồng và đất đai mà ông cho rằng mình đã khai phá từ năm 1980, ông Ẩn cũng làm đơn gửi đến Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Kiên Giang để khiếu nại.
Ngày 07/6/2016, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 21/TTr-TDXLĐT về việc xử lý đơn của công dân chuyển nội dung trên đến UBND tỉnh để chỉ đạo, kiểm tra, trả lời công dân và báo cáo kết quả giải quyết đến Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngày 22/6/2016 UBND tỉnh Kiên Giang có Công văn số 3080/VP-TCD về việc chuyển đơn ông Trần Ngọc Ẩn đến UBND huyện Phú Quốc xem xét theo quy định pháp luật.
Ngày 13/01/2017, UBND huyện Phú Quốc kiểm tra, đo đạc hiện trạng, cây trồng trên thửa đất đang khiếu nại, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc...
Tác giả bài viết: Minh Dũng – Đức Hải
Nguồn tin: https://kiemsat.vn