Liên quan đến vụ khiếu nại cuả ông Huỳnh Ngọc P ở quận 12, TP Hồ Chí Minh: Công an TP Hồ Chí Minh chỉ tiếp xúc báo chí bằng công văn?!

 Admin    Thứ hai - 08/03/2021 23:44
Để làm rõ nguyên nhân việc ông P có đơn tố cáo, tố giác tội phạm gửi đến Công an quận Tân Phú hơn 1 năm nhưng chưa được giải quyết đúng quy định, sáng 4/2/2021, phóng viên (PV) Tạp chí Người cao tuổi đến Công an TP Hồ Chí Minh. Nhưng Công an TP Hồ Chí Minh chỉ làm việc với PV khi có công văn của cơ quan báo chí (?!)…
Liên quan đến vụ khiếu nại cuả ông Huỳnh Ngọc P ở quận 12, TP Hồ Chí Minh:  Công an TP Hồ Chí Minh chỉ tiếp xúc báo chí bằng công văn?!

 

PHÁP LUẬT - BẠN ĐỌC 09/03/2021 09:08

 

Mặc dù PV xuất trình giấy giới thiệu ghi rõ nội dung làm việc và giấy Chứng minh Nhân dân cho Công an tại cổng bảo vệ, nhưng phải hơn 1 giờ chờ đợi, một cán bộ thuộc Phòng Tiếp công dân mặc thường phục mới ra cổng bảo vệ gặp PV và nói: Theo quy định của Công an TP Hồ Chí Minh thì báo chí khi đến làm việc phải có công văn của Tổng Biên tập, mới cho tiếp xúc, làm việc, hoặc anh có thể chuyển thông tin, đơn thư qua đường bưu điện.

Sáng 5/2/2021, PV liên hệ qua điện thoại với cán bộ Công an tên là Vinh. Ông Vinh hướng dẫn như sau:“Vinh hướng dẫn cho anh nhé, thứ nhất là tất cả các cơ quan báo, đài, phóng viên báo đài đóng trên địa bàn thành phố, ví dụ các “báo lớn” như: Tuổi trẻ, Thanh niên, Báo Pháp luật thành phố; chẳng hạn, các đài như: Đài Truyền hình Việt Nam VTV, HTV, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói thành phố, thì anh em tất cả mọi người đều biết theo quy trình là mình làm cái công văn trong đó ghi cụ thể nội dung gửi cho Ban Giám đốc Công an thành phố. Khi có công văn đó, anh mang đến gửi trực tiếp cho Vinh hoặc gửi đường bưu điện cũng được… Vinh căn cứ vào công văn đó mình báo cáo đề xuất với Ban giám đốc, một là giám đốc trả lời, hai là phân công cho các đơn vị liên quan trả lời theo cái nội dung đó; …”.

Trụ trở Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Trụ trở Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Vinh nói thêm: “Cái này theo Nghị định của Chính phủ, từ Nghị định đó Công an làm ra Thông tư, qua Thông tư của Bộ Công an thì làm ra Thông báo xuống các đơn vị”. Khi PV hỏi xin văn bản, thông báo này, thì ông Vinh nói không thể cung cấp được mà phải xin ý kiến của Lãnh đạo, không tự tiện cho báo chí coi... PV tiếp tục “thắc mắc” về câu trả lời này, ông Vinh nói: “Nếu anh không tin tưởng thì có thể trao đổi với tất cả phóng viên báo đài đóng trên địa bàn thành phố. Anh có thể trao đổi với bất kì PV nào… và tôi có thể giới thiệu cho anh các PV. Ngay cả báo trong ngành như Báo Công an Nhân dân, ANTV, muốn lấy thông tin cũng phải làm công văn luôn…”.

PV tiếp tục hỏi về mã số văn bản, ngày tháng phát hành thông báo nói trên, ông Vinh nói: “Mình chỉ là cán bộ thôi, mình trao đổi với anh như vậy đó, có gì liên hệ với Ban chỉ huy”. Sau đó ông Vinh chuyển máy điện thoại cho một phụ nữ tên là Hoa, giới thiệu là Đội phó, Ban Chỉ huy đội thuộc Phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh. Cuộc trao đổi giữa PV và bà Hoa cũng nói lặp lại nội dung giống như ông Vinh đã nói.“Phải có công văn mới tiếp nhà báo, PV. Đó là quy định của Công an TP Hồ Chí Minh”, bà Hoa khẳng định.

Trong khi, Luật Báo chí năm 2016 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017) và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Báo chí, cũng như Thông tư của Bộ Công an hướng dẫn tiếp xúc, làm việc với báo chí không có một nội dung điều khoản nào quy định khi nhà báo, PV đến tác nghiệp, buộc phải có có công văn của Tổng Biên tập. Vậy tại sao ông Vinh và bà Hoa lại hướng dẫn PV tác nghiệp báo chí khi đến tiếp xúc với Công an TP Hồ Chí Minh là buộc phải có công văn của Tổng Biên tập?

Chưa hết, ông Vinh và bà Hoa nói: Có thông báo quy định về tiếp xúc báo chí của ngành Công an, nhưng không thể công khai thông báo này cho báo chí. Tuy nhiên, nếu có thông báo thì các đối tượng điều chỉnh của thông báo này là cán bộ công an có thẩm quyền tiếp xúc với báo chí và các cơ quan báo chí (nhà báo, PV,…). Hơn nữa, các cán bộ công an có thẩm quyền tiếp xúc với báo chí, biết rõ: Các đối tượng điều chỉnh của thông báo, cần phải được biết các nội dung quy định trong thông báo, để thực hiện! Chứ chưa nói đến việc biết để thực hiện chức năng giám sát việc ban hành và những nội dung của thông báo có phù hợp với quy định pháp luật hay không?

Cần nói rõ thêm về tác nghiệp của báo chí: Đối với trường hợp PV chưa có Thẻ Nhà báo, phải xuất trình Giấy giới thiệu của cơ quan báo chí cử đến làm việc do lãnh đạo cơ quan báo chí kí, kèm theo Chứng minh thư Nhân dân/Thẻ căn cước công dân. Giấy giới thiệu cần ghi rõ: Họ và tên PV; làm việc với cơ quan, tổ chức nào; nội dung, thời gian làm việc cụ thể. Giấy giới thiệu phải đang trong thời gian còn hiệu lực. Trường hợp không xuất trình được một trong hai loại giấy tờ trên, các cơ quan, đơn vị được phép từ chối làm việc và cung cấp thông tin. Tuy nhiên, sự việc cụ thể trên đây, PV đã có đủ cả hai loại giấy tờ trên, mà vẫn bị yêu cầu có thêm công văn, rõ ràng đây là thể hiện việc tự “đẻ” ra quy định “đè” Luật, hoặc là một kiểu “ngăn sông, cấm chợ” đối với tác nghiệp đúng pháp luật của PV.

Đề nghị lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết nội dung phản ánh trên đây; thông báo công khai kết quả theo quy định của Luật Báo chí!

 

Tác giả bài viết: ĐỨC HẢI

Nguồn tin:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
VGS
MXHV
THÔNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay3,631
  • Tháng hiện tại152,685
  • Tổng lượt truy cập14,047,205
THĂM DÒ Ý KIẾN

Smartphone đáng mua nhất đầu năm 2020

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây