Vết thương có thể khiến một số người phải quay mặt đi, nhưng nhà nghiên cứu tế bào gốc Phan Toàn Thắng đã tìm thấy "phép màu" ở đó.
"Tôi thích những vết thương. Tôi nhìn thấy vết thương lành như thế nào. Đó là điều kì diệu”, ông nói.
Niềm đam mê của nhà khoa học trong việc chữa lành vết thương đã đưa ông tới phát hiện ra con đường để tạo tế bào da một cách nhanh chóng với số lượng lớn bằng cách sử dụng lớp niêm mạc từ dây rốn.
Thay vì sử dụng lượng da có hạn của bệnh nhân để chữa lành vết bỏng, các tế bào từ màng dây rốn có thể cung cấp một kho dự trữ không giới hạn các tế bào chưa lập trình để tạo ra da và xương mới, và thậm chí cả các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như giác mạc.
Những phương pháp này có thể chữa lành vết thương do bỏng hoặc các bệnh như tiểu đường.
Cellresearch Corp, một công ty công nghệ sinh học được ông sáng lập với giám đốc điều hành Gavin Tân và người đồng nghiệp là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và nghiên cứu da Ivor Lim năm 2002, hiện đang sở hữu 39 bằng sáng chế trên toàn thế giới. Chúng bao gồm các bằng sáng chế về chiết xuất tế bào gốc từ màng dây rốn, lưu trữ và và nuôi dưỡng, cùng các ứng dụng điều trị. Công ty hiện trị giá 700 triệu đô la.
Chặng đường gian nan
Bác sĩ Thắng bắt đầu sự nghiệp của mình là một bác sĩ phẫu thuật điều trị vết thương tại một viện quân y ở Việt Nam vào năm 1991 sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Quân y tại Hà Nội.
"Tôi không có thời gian, không có tiền để chạy chọt. Vì vậy, tôi chỉ tập trung vào học. Làm việc rất chăm chỉ, học tiếng Nga, học tiếng Anh," ông kể.
Năm 1995, ông được nhận học bổng Đại học Oxford ở Anh với sự giúp đỡ từ một giáo sư da liễu sau khi đến thăm bệnh viện nơi ông công tác. Điều này cuối cùng đã đưa ông đến Singapore.
Trong thời gian học ở Oxford, ông gặp một người Singapore, người sau đó đã giới thiệu ông với người đứng đầu về phẫu thuật thẩm mỹ tại khoa bỏng Bệnh viện Đa khoa Singapore (SGH) - GS Lee Seng Teik. GS Lee mời BS Thắng làm việc trong nhóm của mình vào năm 1997 và ông được giao nhiệm vụ chữa lành vết thương và tạo ra các tế bào da.
"Chúng tôi phải lấy các tế bào da ở những chỗ không bị bỏng của bệnh nhân và phát triển chúng ra trong phòng thí nghiệm, rồi ghép lại cho người bệnh", ông nói.
Đôi khi các tế bào không hoạt động tốt và cần thời gian phát triển.
"Toàn bộ quá trình rất tốn kém và chúng tôi chỉ có thể làm cho một số bệnh nhân. Rất khó để duy trì", ông nhớ lại.
Khoảng một năm sau, ông gặp người cộng sự là BS Lim, họ cùng sáng lập công ty và tập trung tìm hiểu về quá trình hình thành sẹo
Năm 2001 và 2002, BS Thắng giành được giải thưởng cho việc xác định một chức năng trên bề mặt da gây sẹo.
Vào thời điểm đó, nhiều nghiên cứu thực hiện sử dụng tế bào gốc phôi thai, là vấn đề vấp phải nhiều sự phản đối. Bằng cách tập trung vào cuống rốn, BS Thắng đã tránh được đề tài nhạy cảm này.
Bác sĩ Thắng hiện là phó giáo sư tại khoa Ngoại tại trường Y Yong Loo Lin, Đại học Quốc gia Singapore, đã đạt được mục tiêu của mình bằng dây rốn – thứ vẫn bị xem là chất thải y tế. Nhưng nó có thể cung cấp 6 tỉ tế bào gốc để tạo thành da, xương, giác mạc và các bộ phận khác.
Mặc dù những thành tích nổi bật và một công ty trị giá 700 triệu đô la, BS Thắng vẫn rất khiêm tốn nói rằng một số khía cạnh trong khám phá của mình là nhờ “tình cờ và may mắn”.
Ông nói: "Có rất nhiều thách thức trong việc hoàn thiện một sản phẩm, và để làm cho nó vừa túi tiền của tất cả mọi người. Điều đó không dễ dàng gì. Nhưng may mắn thay, chúng tôi đã tìm ra cách”.
Tác giả bài viết: Cẩm Tú
Nguồn tin: https://dantri.com.vn