Theo nội dung đơn phản ánh của ông Lâm Quang Đông, ngụ tại tổ 7, ấp 4B, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai: “Gia đình ông trồng lúa và hoa màu trên mảnh đất có diện tích khoảng 7000 m2 tại thửa đất số 6, tờ bản đó số 56. Từ tháng 3/2019, có 3 hộ có đất sử dụng lân cận đã tự ý san lấp khiến khu đất của ông không còn đường thoát nước, xảy ra tình trạng ngập úng gây chết lúa và cây trồng.
Dù cố gắng khắc phục tình trạng lúa chết do ngập nước, ông Đông đã chuyển sang trồng các giống hoa màu khác. Khi gần đến lúc thu hoạch, lượng mưa lớn khiến khu vực trồng trọt bị úng nước, gây thiệt hại hoa màu. Bức xúc vì liên tục bị thiệt hại dẫn đến khó khăn chồng chất, ông Đông đã làm đơn trình bày gửi chính quyền địa phương đề nghị giải quyết nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Trao đổi với Phóng viên, ông Trần Văn Trình – Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc cho biết: “Sự việc nêu trên, UBND đã tiếp nhận thông tin và làm rõ để tìm phương án giải quyết thoả đáng. Mặc dù UBND xã đã mời các bên liên quan đến hoà giải nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Dù sự việc rất dễ giải quyết. Chỉ cần đào một con mương thoát nước nhưng mâu thuẫn giữa các hộ dân kéo dài, dẫn đến sự việc không thể hoà giải theo phương thức ôn hoà”. “Để sớm giải quyết cho người dân canh tác ổn định, chính quyền xã đã nhiều lần chủ động mời các bên hòa giải nhưng vẫn chưa có kết quả, thái độ ứng xử giữa các hộ có liên quan. Tuy nhiên, UBND xã sẽ áp dụng các quy định pháp luật để nhanh chóng giải quyết dứt điểm, để người dân yên tâm canh tác” – ông Trình nói.
Về vấn đề này, Luật sư Huỳnh Quốc Nguyên - Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết:
Theo quy định tại Điều 251 Bộ luật Dân sự 2015, quy định về Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải: “Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định, sao cho nước thải không chảy tràn sang bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng”.
Tuy nhiên, tại Điều 252 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề như sau: “Trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy. Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại”.
Như vậy, từ sự việc nêu trên và những quy định pháp luật cho thấy, nghĩa vụ đào rãnh hoặc lắp đường thoát nước thuộc về người sử dụng lối cấp, thoát nước đó. Họ phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên thực hiện cấp thoát nước phải đền bù cho chủ sử dụng đất có lối cấp thoát nước đi qua.
Nếu mảnh đất của ông Lâm Quang Đông không có chỗ để thoát nước thải, cũng không có rãnh nước công cộng thì các hộ dân lân cận phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.
Châu Phụng – Tiến Mạnh