Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp ngữ tại TP.HCM
Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Phái đoàn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Pháp ngữ (MECA) tại Việt Nam. Với 3 chuyên đề thảo luận như: Không gian kinh doanh Pháp ngữ tại thành phố Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp lân cận trong nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm (chuyên đề 1); Không gian kinh doanh Pháp ngữ tại thành phố Hồ Chí Minh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo: Thách thức và thực tế (chuyên đề 2); Không gian kinh doanh Pháp ngữ tại thành phố Hồ Chí Minh trong lĩnh vực kỹ thuật số: Thách thức và thực tế (chuyên đề 3).
Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp ngữ tại TP.HCM lần này có hơn 420 doanh nghiệp Việt Nam, hơn 100 doanh nhân, tổ chức kinh tế đến từ 25 quốc gia - thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đã chia sẻ, thảo luận về các lĩnh vực kinh doanh, thương mại, đầu tư về nông nghiệp, chế biến thực phẩm, năng lượng bền vững, hàng hóa, thương mại điện tử, dịch vụ số…
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại diễn đàn
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Điễn đàn Doanh nghiệp Pháp ngữ lần này tại TP.HCM cũng là cơ hội tốt để các nước trên thế giới, doanh nghiệp trong cộng đồng Pháp ngữ tìm hiểu, kết nối và kiến tạo chuỗi cung ứng mới trong dòng chảy thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội kinh doanh, đầu tư tại TP.HCM; hiện có rất nhiều để cộng đồng doanh nghiệp của OIF tại khu vực Đông Nam Á tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng sản xuất cho khu vực và trên thế giới.
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) được thành lập vào năm 1970, hiện có tổng cộng 54 thành viên, 7 thành viên liên kết và 27 quan sát viên trải khắp 5 châu lục, với tổng dân số khoảng 900 triệu người trong đó có khoảng 300 triệu người nói tiếng Pháp (bao gồm 600 nghìn người nói tiếng Pháp tại Việt Nam), chiếm 20% trao đổi thương mại và 16% GDP toàn cầu, tạo nên một khu vực kinh tế có triển vọng phát triển mạnh mẽ và nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên.
Việt Nam có vai trò quan trọng và các điều kiện thích hợp giúp thúc đẩy tăng cường liên kết nội khối cũng như hình thành chuỗi cung ứng sản xuất – tiêu thụ khép kín, trải dài từ châu Phi tới châu Âu, Bắc Mỹ”. Hiện có 16/54 quốc gia thành viên OIF đang có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Song song đó, một số tập đoàn nhà nước và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cũng đã đầu tư tại châu Phi trong các lĩnh vực như khai thác dầu khí, viễn thông, thủy điện, chế biến gỗ...Về quan hệ thương mại - Việt Nam hiện có trao đổi thương mại với 44/54 quốc gia thành viên chính thức của OIF.
Trong giai đoạn năm 2017 – 2019, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên OIF luôn có sự tăng trưởng ổn định và ghi nhận mức cao nhất là 26,7 tỷ USD vào năm 2019; trong đó xuất khẩu đạt 19 tỷ USD và nhập khẩu đạt 7,7 tỷ USD. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid19, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đã giảm 9,5%, đạt mức 24,2 tỷ USD.
Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Công ty Trí Việt (người thứ 3 từ phải qua), Bà Diara NDIAYE, Phóng viên đài RFI (người ngồi thứ tư) chia sẻ tại buổi tọa đàm - Chuyên đề 1: Không gian kinh doanh pháp ngữ tại TP.HCM và các Khu công nghiệp lân cận trong nông nghiệp và công nghiệp chế biến: Thách thức và cơ hội
Bà Louise Mushikiwabo, Tổng thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ cho chia sẻ: Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã mở cửa và chào đón các thành viên OIF trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp là một điều vô cùng ý nghĩa về tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác. Ngoài ra, sự hiện của đại diện đến từ 25 nước thành viên OIF tại Diễn đàn doanh nghiệp Pháp ngữ tại TP.HCM lần này cũng cho thấy cộng đồng doanh nghiệp thành viên OIF cũng rất kỳ vọng về những cơ hội hợp tác tại Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Mục tiêu của các hoạt động này nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp (thành viên OIF) đến từ Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Phi, vùng Caribê và Ấn Độ Dương trao đổi về các dự án hợp tác kinh tế, thương mại và công nghiệp trong các lĩnh vực có tiềm năng phát triển cao, bao gồm: Nông nghiệp - công nghiệp chế biến; Năng lượng tái tạo; Hàng hóa và dịch vụ kĩ thuật số; Logistics; Tài chính.
Các doanh nghiệp trong tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) chia sẻ về các thông tin kinh tế, đầu tư
Tại việt Nam, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ đã phối hợp với Bộ ngoại giao Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Thông tin Truyền thông, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Đoàn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Pháp ngữ (lần 1) tại thành phố Hồ Chí Minh (ngày 21-23/03/2022) và Hà Nội (ngày 24-26/03/2022) và lần 2 tại Trung Phi (Gabon và Rwanda) từ ngày 06-08/07/2022.
Theo số liệu trên hệ thống của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, hiện tại đã có hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hiệp hội ngành hàng đến từ các nước Pháp, Canada, Bỉ, Thuỵ Sĩ, Bénin, Bukina Faso, Guinée, Madagasca, Sénégal, Congo, Bờ Biển Ngà, Togo, Cameroun, Ghana,...đã đăng kí tham gia đoàn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Pháp ngữ và có các dự án, đề xuất quan tâm đến các doanh nghiệp, đối tác của Việt Nam trong lĩnh vực nêu trên.
Theo kế hoạch, ngày 24/03 sẽ tiếp tục tổ chức diễn đàn tại Hà Nội, ngày 28/03 đoàn sẽ đến thành phố Phnom Penh – Campuchia để thực hiện các công tác kết nối, phát triển hợp tác các doanh nghiệp trong cộng đồng Pháp ngữ tại Campuchia.
Tác giả bài viết: Đức Hải