Mới 9 - 10h sáng mùng 4 Tết, trên đường Thùy Vân chạy dọc bãi biển Vũng Tàu đã có hàng ngàn ôtô, xe máy chạy nối đuôi nhau...
Ở khu vực Bãi trước, một số du khách ngồi uống cafe ngắm cảnh, nhìn dòng người qua lại trước khi xuống tắm biển..
Bãi sau Vũng Tàu (10h sáng - mùng 4 Tết) hàng chục ngàn khách du lịch xuống tắm biển...
Khu tượng đài Chúa KiTô Vua trên núi Tao Phùng
Đông đảo người dân, du khách đến miếu Hòn Bà cầu bình an vào sáng mùng 4 Tết
Miếu Hòn Bà nằm trên một hòn đảo nhỏ (còn gọi là đảo Hòn Bà), vị trí ở gần mũi Nghinh Phong, khu vực Bãi Sau của TP Vũng Tàu. Hòn Bà là một hòn đảo duy nhất ở ven bờ biển Vũng Tàu, nằm cách đất liền khoảng hơn 200 m, diện tích chỉ hơn 5.000 m2.
Hòn Bà vào những ngày thủy triều xuống lộ ra một con đường đá nối liền từ bãi biển ra đảo. Nhiều du khách lội bộ ra đảo để viếng bà Thủy Long Thần Nữ ở Miếu Hòn Bà. Bình thường đảo Hòn Bà chìm trong nước biển, con đường đá nối đất liền với chỉ hiện ra khoảng 2 giờ mỗi ngày khi thủy triều rút xuống.
Theo lịch sử, Miếu Hòn Bà được xây dựng vào năm 1781, bên trong thờ bà Thủy Long, một thần nữ giúp ban phúc lành cho những người dân khi đi biển.
Lịch sử về Miếu Hòn Bà
Miếu Hòn Bà nằm trên đảo Hòn Bà, một đảo nhỏ có diện tích khoảng 5.000m2 ở vùng biển Bãi Sau, Tp. Vũng Tàu. Đây là nơi thờ cúng Thủy Long thần nữ với mong muốn sẽ được bà che chở cho những người đánh cá trên biển.
Miếu Hòn Bà được xem là ngôi miếu cổ độc đáo bậc nhất Việt Nam. Theo các tài liệu, miếu được dựng từ năm 1781, bởi một hương chức thôn hội làng Thắng Tam. Năm 1939, Archi-nard - một sỹ quan người Pháp cho bắn bể miếu nhưng chỉ có một phát trúng vào góc miếu.
Không lâu sau đó, viên sỹ quan này đã bỏ mạng tại đây do một lần bất cẩn khi dùng súng. Sau sự kiện đó, nhiều người đặt tên cho hòn đảo là Archi-nard nhưng người dân Vũng Tàu vẫn quen gọi là Hòn Bà và lấy tên ngôi miếu trên đảo là miếu Hòn Bà.
Khoảng thời gian sau đó, có một người ở Trà Vinh tên là Thanh Phong đến Vũng Tàu lập nghiệp. Đến năm 1971, ông đã đứng ra quyên góp để sửa chữa lại ngôi miếu, nhằm mục đích thờ bà Thủy Long thần nữ, để bà chở che cho những người đi biển. Trải qua nhiều đợt trùng tu, sửa chữa miếu Hòn Bà mới có hình dạng như hiện nay.
Miếu Hòn Bà hiện có chiều cao nổi trên mặt đất là 4m, bên trong là điện thờ các vị thần linh, bên dưới có tầng hầm dài 6m, rộng 3m. Đây từng là nơi hội họp bí mật của đồng bào chiến sĩ yêu nước thời kỳ kháng chiến. Miếu được sơn màu vàng nổi bật, đứng từ xa du khách có thể thấy được ngôi miếu hiện ra.
Muốn đến viếng miếu Hòn Bà, du khách có hai cách: một là di chuyển bằng ghe, thuyền; hai là chờ thủy triều xuống và trải nghiệm một con đường bằng đá gồ ghề. Trong đó, cách di chuyển bằng đường bộ được nhiều du khách lựa chọn nhất.
Mỗi năm miếu Hòn Bà tổ chức cúng 4 lễ, dựa theo con nước gồm: tháng Giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10 âm lịch. Vào ngày 14, 15 hàng tháng, khi thủy triều rút xuống lộ ra con đường đi bộ bằng đá độc đáo, dài khoảng 200m. Đây là con đường nhân tạo được làm để phục vụ nhu cầu của người dân hành hương.
Tác giả bài viết: THANH NHÀN - HOÀNG DƯƠNG