Đến dự lễ công bố có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương: Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam…
Các đồng chí lãnh đạo Quốc hội đến dự gồm: Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội…
Cùng dự có lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ: Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ; Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao; Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng…
Các đồng chí lãnh đạo TPHCM đến tham dự: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TPHCM; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Buổi lễ có sự tham dự của các đồng chí nguyên lãnh đạo TPHCM: Võ Viết Thanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM; Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM...
Buổi lễ được truyền hình, phát thanh trực tiếp tại điểm cầu trụ sở UBND quận 2; ngoài ra, hai địa điểm phục vụ theo dõi truyền hình trực tiếp là Nhà Thiếu nhi quận 9 và Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức.
Trong buổi lễ, TPHCM cũng công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 1111; ra mắt ban chỉ đạo và công bố lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, kế hoạch đầu tư các công trình dự án trọng điểm tại TP Thủ Đức.
Buổi lễ có nghi thức khai trương mạng di động 5G đầu tiên trên địa bàn TP Thủ Đức, sẵn sàng cung cấp các trải nghiệm dịch vụ tốc độ cao phục vụ người dân và doanh nghiệp.
TP Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-3-2021. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá, việc thành lập TP Thủ Đức sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. TP Thủ Đức không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân, dự kiến đóng góp 30% GRDP TPHCM và 7% GDP cả nước.
TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức. TP Thủ Đức rộng hơn 211km², có quy mô trên 1 triệu người.
Một góc TP Thủ Đức thuộc TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trong nội bộ TP Thủ Đức, phường An Khánh sẽ sáp nhập vào phường Thủ Thiêm thành phường Thủ Thiêm. Đồng thời, phường An Khánh được thành lập từ việc sáp nhập hai phường Bình Khánh và phường Bình An.
Sau khi thành lập và sáp nhập phường, TP Thủ Đức có 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.
Về bộ máy, sau 60 ngày kể từ ngày Nghị quyết 1111 có hiệu lực, từng đơn vị hành chính, các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính mới sẽ phải hoàn thành xong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo sự ổn định, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và doanh nghiệp.
Lãnh đạo TPHCM chỉ đạo các sở - ngành có liên quan chủ động hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục hành chính… Thông tin, quy trình thực hiện được công khai trên cổng thông tin điện tử, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, khu phố, tổ dân phố và không thu phí việc thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
Trường hợp cá nhân, tổ chức không có nhu cầu chuyển đổi thì các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.
Cùng với việc thành lập TP Thủ Đức, TPHCM cũng thực hiện các nội dung khác thực hiện theo Nghị quyết 1111 là: sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; thành lập TAND TP Thủ Đức, thành lập Viện Kiểm sát nhân dân TP Thủ Đức.
Kể từ ngày Nghị quyết 1111 có hiệu lực (ngày 1-1-2021), TPHCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện (giảm 2 đơn vị), gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố; 312 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 10 phường), gồm 58 xã, 249 phường và 5 thị trấn.