Hội Phổ biến và Tham vấn Pháp luật Việt Nam với công tác phổ biến pháp luật trong giai đoạn mới

 Admin    Thứ sáu - 11/02/2022 21:38
Trong giai đoạn mới, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và trước những tác động trực tiếp của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới cách thức xây dựng và thực thi pháp luật, công tác phổ biến pháp luật luôn giữ vị trí quan trọng để đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.



 

Ông Nguyễn Đức Kiên - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Đại hội.

Với chức năng và nhiệm vụ được Nhà nước giao, kể từ khi thành lập, Hội Phổ biến và Tham vấn pháp Luật Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của Hội, đóng góp vào việc nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, công tác này thời gian qua còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục, trong đó chất lượng, hiệu quả còn chưa đồng đều, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, người dân chưa cao; tính chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật của người dân theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được thể hiện rõ.

Trước thực trạng công tác phổ biến pháp luật thời gian qua, trong giai đoạn mới, Hội Phổ biến và Tham vấn Pháp Luật Việt Nam phải đổi mới, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến pháp luật nhằm đáp ứng được đòi hỏi của xã hội, yêu cầu của Đảng và Nhà nước và nhân dân. Cụ thể, Hội phải tập trung thực hiện một số việc sau:

1. Tổ chức Hội và hội viên tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phổ biến pháp luật cho mọi người trong xã hội. Phổ biến pháp luật gắn với giáo dục pháp luật, tuyên truyền về các hoạt động thực thi pháp luật để góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Tổ chức thông tin, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác Phổ biến, giáo dục Pháp Luật cho hội viên, tập trung các văn bản: Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác Phổ biến Giáo dục Pháp Luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Luật Phổ biến, giáo dục Pháp Luật; Các nghị định của Chính phủ quy định thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục Pháp Luật; Kết luận số 80- KL/TW ngày 20/6/2020 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32_CT/TW và một số văn bản liên quan.

2. Chủ động tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến hoàn thiện thể chế về Phổ biến, giáo dục Pháp Luật. Sau gần 9 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục Pháp Luật, một số quy định của Luật cấm được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn và yêu cầu của thời kỳ mới. Thông qua công tác phổ biến pháp luật, Hội lắng nghe, nắm bắt thông tin, vướng mắc của quy định pháp luật trong quá trình thực thi để đề xuất, tham vấn hoàn thiện pháp luật.

3. Quan tâm và coi trọng việc nắm bắt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, tập hợp dư luận xã hội quan tâm. Khuyến khích, yêu cầu người dân, doanh nghiệp tự tìm hiểu, học tập pháp luật; đồng thời vận động nhân dân tự giác chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mỗi hội viên của Hội Phổ biến và Tham vấn Pháp Luật Việt Nam cần có mối liên hệ với người dân ở cơ sở địa bàn nơi cư trú để nghe được, tập hợp được mong muốn của người dân về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, hội viên phản ánh cho tổ chức Hội để phản ánh cho các cơ quan chức năng trong xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Quang cảnh Đại hội thành lập Hội

4. Xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc cung cấp thông tin pháp lý, tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến pháp luật cho hội viên.

Lựa chọn, giới thiệu với Bộ Tư pháp xem xét, công nhận Báo cáo viên pháp luật Trung ương. Hội coi trọng thu hút đội ngũ chuyên gia pháp luật là các Luật sư, Luật gia, giáo viên, giáo viên dạy pháp luật tham gia phổ biến pháp luật cho nhân dân.

Phát triển hội viên ở các địa bàn miền Núi, biên giới, hải đảo; người biết tiếng dân tộc thiểu số để trực tiếp làm công tác phổ biến pháp luật ở địa bàn nơi sinh sống, công tác.

5. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng biên soạn sách hỏi - đáp pháp luật, các tình huống pháp luật, các ứng dụng kết nối internet để phổ biến pháp luật cho người dân, doanh nghiệp. Động viên, khuyến khích hội viên tăng lương cho người dân, sử dụng các phiên tiện điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong phổ biến pháp luật.

Quan tâm phổ biến các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như: Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Giáo dục, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các quy định pháp luật về y tế, an ninh, quốc phòng, giao thông,…

6. Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác phổ biến pháp luật, khuyến khích hội viên phát huy trách nhiệm xã hội tham gia phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nhân dân, hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp. Chú trọng huy động những người có kiến thức, am hiểu pháp luật, kỹ năng phổ biến pháp luật như luật sư, luật gia, người đã và đang công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, người biết tiếng dân tộc thiểu số tham gia phổ biến pháp luật.

Đồng thời với việc huy động nhân lực có chất lượng tham gia phổ biến pháp luật, Hội huy động và khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho công tác phổ biến pháp luật.

Phổ biến pháp luật là chức năng quan trọng của Hội Phổ biến và Tham vấn Pháp Luật Việt Nam. Tổ chức Hội và mỗi hội viên cần phát huy năng lực và điều kiện của mình, tích cực và trách nhiệm tham gia công tác phổ biến pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; đóng góp vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Tác giả bài viết:  LS. Nguyễn Duy Lãm - Phó Chủ tịch Hội Phổ biến và Tham vấn Pháp luật Việt Nam, Nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
VGS
MXHV
THÔNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập164
  • Hôm nay19,534
  • Tháng hiện tại408,317
  • Tổng lượt truy cập11,643,141
THĂM DÒ Ý KIẾN

Top mạng xã hội cập nhật xu hướng, tin tức, giải trí phổ biến 2020?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây