Theo thông tin từ tỉnh Đồng Tháp. Hai năm liền (2020 và 2021) ngành Du lịch phải đối mặt với đại dịch Covid-19 gây ra thiệt hại rất nặng nề. Các hoạt động du lịch, sự kiện, lễ hội phải hủy bỏ, các khu di tích, điểm tham quan, du lịch đóng cửa dừng đón khách. Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch phải tạm nghỉ, cắt giảm nhân viên, hướng dẫn viên du lịch thất nghiệp. Toàn ngành Du lịch lâm vào tình trạng đóng băng. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát đại dịch Covid-19 và đã đạt được những kết quả tích cực.
Theo Báo cáo nhanh của Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Đồng Tháp, ước tính trong quý 1/2022, Tổng lượt khách du lịch do các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khoảng 900.000 lượt khách, tăng 2,86% so với cùng kỳ năm 2021 (nhưng giảm 33,41%, so với năm 2019 - thời điểm trước dịch).
Về những thuận lợi, thời gian qua đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ VHTTDL, của UBND Tỉnh về các hoạt động của ngành Du lịch. Đa số người lao động tại các đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đều đã được tiêm đủ liều vắc xin và thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch. Thời điểm tết Nguyên đán vừa qua, hầu hết các cơ sở du lịch trên địa bàn đã làm tốt công tác vệ sinh môi trường, trang trí cảnh quan và tạo nhiều tiểu cảnh đẹp, đầu tư thêm nhiều dịch vụ phục vụ khách tham quan du lịch, nên đã thu hút khá đông khách đến tham quan trải nghiệm dịp Tết Nguyên đán. Các điểm tham quan vườn quýt hồng Lai Vung; các điểm vui chơi giải trí, tham quan Làng hoa, Homestay ở TP. Sa Đéc, Khu du lịch Tràm Chim, khu đồng sen Tháp Mười... Đặc biệt là Khu du lịch Văn hóa Phương Nam dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu hút khá đông lượng khác từ các nơi đổ về để tham quan, vui chơi, du lịch.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch của toàn Tỉnh vẫn còn khó khăn do biến chủng virus mới Omicron lây lan nhanh, lượng khách tham quan sau tết giảm dần, Các khu điểm tham quan du lịch đến ngày 01/01/2022 mới mở cửa hoạt động trở lại, lượng khách đến tham quan chủ yếu ở các khu điểm du lịch trọng điểm. Cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn, nhà nghỉ, homestay…tuy đã mở cửa đón tiếp khách từ tháng 10/2021 nhưng lượng khách đến lưu trú rất ít, công suất phòng bình quân khoảng 30%. Vì vậy, các cơ sở kinh doanh du lịch vô cùng khó khăn, nguồn tài chính cạn kiệt, nhiều lao động đã thất nghiệp, rời bỏ nghề, tạm nghỉ việc hoặc chuyển sang hoạt động kinh doanh ở các lĩnh vực khác để duy trì cuộc sống. Thời điểm hiện tại, đa số nhân viên phục vụ tại các khu điểm du lịch, điểm tham quan cộng đồng chưa có điều kiện trở lại làm việc, do lượng khách đến rất ít bởi lo sợ diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, nên các cơ sở chủ yếu hoạt động cầm chừng, duy trì để ổn định và từng bước phục hồi.
Để khôi phục lại hoạt động du lịch theo hướng đảm bảo an toàn trong bối cảnh tỉnh Đồng Tháp và cả nước kiểm soát được đại dịch Covid-19; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các khu di tích, điểm du lịch, điểm tham quan cộng đồng và các cơ sở lưu trú du lịch hoạt động trở lại để từng bước giảm thiểu thiệt hại, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra, lấy lại đà tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế địa phương; Đẩy mạnh thu hút khách du lịch nội địa nhân các ngày lễ lớn, các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch của Ngành và của Tỉnh. Khuyến khích người dân và khách du lịch đi tham quan trải nghiệm tại các khu di tích, điểm du lịch, Farmstay đạt các tiêu chí an toàn, trong bối cảnh bình thường mới sau thời gian dài giãn cách xã hội.
Yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế; Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố quản lý chặt chẽ theo thẩm quyền, hướng dẫn công tác an toàn phòng chống dịch, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn quản lý; chủ động nắm bắt tình hình, các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, cơ sở, để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người lao động, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá an toàn trong các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông, quảng bá điểm đến an toàn, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ mới đã được đẩy mạnh; truyền thông thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội; Cổng thông tin du lịch của Tỉnh đã cập nhật thường xuyên, đầy đủ, kịp thời các thông tin về điểm đến, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm, chương trình du lịch, các quy định về phòng chống dịch trong hoạt động du lịch,...đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin về du lịch Đồng Tháp của các doanh nghiệp lữ hành, du khách và nguời dân.
Một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm từ quí II/2022 của ngành du lịch tỉnh
Triển khai kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch và thí điểm đón khách quốc tế đến tham quan du lịch Tỉnh. Triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch để bổ sung nguồn nhân lực thút hụt do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Phối hợp xây dựng Đề án phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp (giai đoạn 2022-2025); phối hợp với TPHCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL triển khai các nội dung trong chương trình thỏa thuận liên kết phát triển du lịch năm 2022; Triển khai Kế hoạch thực hiện Kết luận số 249-KL/TU của BCH Đảng bộ Tỉnh về đẩy mạnh phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 và chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh,
Song song đó, tập trung tổ chức các Sự kiện, Lễ hội để thu hút khách du lịch như: Lễ hội Sen Đồng Tháp (lần I) và Diễn đàn kết nối du lịch TP.HCM và 13 tỉnh thành ĐBSCL (lần 2) tại Đồng Tháp; Tổ chức lễ Kỷ niệm 30 năm di tích Xẻo Quít được công nhận là di tích Quốc gia; Tổ chức Hội nghị triển khai bộ tiêu chí văn hóa doanh nghiệp khu vực ĐBSCL tại Đồng Tháp, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ ở Gò Tháp,…
Về kế hoạch dự kiến tổ chức đón khách du lịch quốc tế từ tháng 4/2022.Theo đó, Người nước ngoài, nguời Việt Nam định cư ở nước ngoài, công dân Việt Nam được tham gia vào chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế; phải đảm bảo các yêu cầu với nhiều quy định việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế; sử dụng “Hộ chiếu vắc xin” thông qua các chuyến bay thuê chuyến hoặc thương mại quốc tế thường lệ theo nguyên tắc “An toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa thì phải an toàn”; tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và Tỉnh.
Tác giả bài viết: ĐỨC HẢI - HOÀNG DƯƠNG