Theo đề xuất này, từ 1/7, thời điểm Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực, công dân sẽ đăng ký, gửi hồ sơ qua đường bưu chính hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến.
Cán bộ tiếp nhận và thông báo kết quả đăng ký thường trú, tạm trú, gia hạn tạm trú, khai báo thông tin về cư trú, điều chỉnh thông tin về cư trú, tách hộ, xác nhận thông tin về cư trú cũng được thực hiện dưới hình thức văn bản trực tiếp hoặc qua đường bưu chính, tin nhắn điện tử hoặc cổng dịch vụ công.
Người yêu cầu trả kết quả tại nhà phải nộp chi phí trả kết quả qua hệ thống bưu chính.
Đăng ký thường trú theo phương thức mới như thế nào?
Đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan đăng ký cư trú và được cập nhật thông tin về nơi thường trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, thay vì vào quyển sổ hộ khẩu bằng giấy như hiện nay.
Việc cập nhật thông tin nơi thường trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Nội dung đăng ký thường trú gồm thông tin của người đăng ký thường trú đã được thu thập, cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trường hợp người đăng ký thường trú chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi đăng ký thường trú sẽ thực hiện thu thập, cập nhật thông tin dân cư theo quy định.
Trong trường hợp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú đã có thông tin thể hiện mối quan hệ nhân thân của người yêu cầu đăng ký thường trú với chủ hộ, thành viên hộ gia đình sẽ không phải xuất trình giấy tờ chứng minh mối quan hệ nhân thân khi thực hiện thủ tục đăng ký thường trú.
Theo đề xuất của Bộ Công an, trong quá trình đăng ký thường trú, nếu có sai sót thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do lỗi của cơ quan đăng ký cư trú thì trong thời hạn một ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của công dân, cơ quan đăng ký cư trú phải có trách nhiệm điều chỉnh, cập nhật, bổ sung thông tin cho phù hợp.
Thắc mắc đăng ký cư trú phản ánh ở đâu?
Người dân, cơ quan, tổ chức khi có kiến nghị, phản ánh về quá trình đăng ký cư trú của cơ quan cảnh sát phụ trách đăng ký cư trú sẽ đến trực tiếp, gọi điện thoại, đường dây nóng, thông qua hòm thư góp ý, hộp thư điện tử; qua Cổng dịch vụ công; Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Cổng thông tin điện tử Bộ Công an.
Theo đề xuất của Bộ Công an, các thông tin phản ánh của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về cư trú phải được cơ quan đăng ký cư trú ghi lại, trong đó thể hiện rõ thời gian, địa điểm xảy ra, nội dung, diễn biến liên quan đến tổ chức, cá nhân nào.
Khi công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức phản ánh thông tin cần đề nghị cho biết họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ để cơ quan đăng ký, quản lý cư trú có văn bản trả lời khi cần thiết.
Việc tiếp nhận phản ánh qua nhiều kênh khác nhau, theo Bộ Công an, nhằm chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính trong giải quyết công việc của công dân, cơ quan, tổ chức, đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đăng ký, quản lý cư trú.
Cũng theo đề xuất mới, từ 1/7 thẩm quyền đăng ký thường trú sẽ được thực hiện ở công an xã, phường, thị trấn, thay vì chỉ tại công an huyện, quận, thị xã như hiện nay.
Tác giả bài viết: Bá Đô
Nguồn tin: https://vnexpress.net