Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc vụ đấu giá đất Thủ Thiêm ẢNH NGỌC DƯƠNG |
"Huỷ kèo", chấp nhận mọi chế tài
Theo tập đoàn này, trước đó, ngày 10.12.2021 Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi sao Việt (Công ty Ngôi Sao Việt) thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá ô đất có diện tíc 10.060 m2 tại Thủ Thiêm với giá 24.500 tỉ đồng (2,45 tỉ đồng/m2). Mức giá này cách đơn vị trả giá thứ 2 là một công ty nước ngoài đặt giá 23.800 tỷ đồng là 700 tỉ đồng. Đây là mức giá cao ngoài dự kiến của tập đoàn Tân Hoàng Minh khi tham gia đấu giá. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia đấu giá đã có rất nhiều nhà đầu tư trả giá cao đến 20.000 tỉ đồng rồi bỏ cuộc và chỉ còn lại 1 nhà đầu tư nước ngoài và Công ty Ngôi Sao Việt.
“Với mong muốn góp sức để TP.HCM có thêm động lực khắc phục khó khăn sau đại dịch, Công ty Ngôi Sao Việt đã quyết tâm trả giá cao hơn 3% (là 700 tỉ đồng) để giành quyền trúng đấu giá ô đất này…”, thông tin từ tập đoàn Tân Hoàng Minh nêu và cho biết sau khi trúng đấu giá, Ban lãnh đạo tập đoàn Tân Hoàng Minh đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư, kinh doanh và tài chính của tập đoàn, cân đối đầy đủ tài chính để đảm bảo đóng tiền theo đúng tiến độ và quy định trong hợp đồng đã ký kết với Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Trung tâm Đấu giá của TP.HCM. Đồng thời, lên phương án thiết kế, đầu tư, kinh doanh mới phù hợp nhất để mang lại hiệu quả, mặc dù lợi nhuận theo tính toán không đạt được như kỳ vọng ban đầu nhưng vẫn đảm bảo được vốn đầu tư và giữ vững uy tín của tập đoàn đã xây dựng 30 năm qua.
“Tuy nhiên, sau khi đấu giá thành công, Ban Lãnh đạo tập đoàn đã lắng nghe và ghi nhận các ý kiến phân tích từ cơ quan quản lý Nhà nước và dư luận, trong đó có những ý kiến cho rằng kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt. Đặc biệt sau khi tiếp thu ý kiến nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất vừa qua, tập đoàn Tân Hoàng Minh đánh giá và nhận thấy việc trúng đấu giá với kết quả trên có thể dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung. Vì vậy, để đảm bảo sự ổn định của thị trường kinh doanh bất động sản, tuân thủ tôn chỉ và triết lý kinh doanh “luôn luôn đặt lợi ích chung của tập thể, của xã hội lên trên lợi ích của cá nhân và doanh nghiệp”, tập đoàn Tân Hoàng Minh xin tự nguyện đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản ô đất 3.12. Đồng thời chấp nhận chịu mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công”, thông tin từ tập đoàn Tân Hoàng Minh nêu.
Loại nhà đầu tư nước ngoài bằng bước giá 700 tỉ đồng
Phiên đấu giá công khai 4 lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) vào ngày 10.12 vừa rồi có khoảng 21 doanh nghiệp bất động sản trong nước và nước ngoài tham gia đấu giá. Có thể nói, đây là một phiên đấu giá so kè quyết liệt với hàng trăm lần trả giá trước khi nhà đầu tư cuối cùng chốt giá thành công. Điểm đặc biệt trong các phiên đấu giá này theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoRea) là “tốc độ trả giá” rất nhanh và giá trị mỗi lần trả giá tiếp theo của một số nhà đầu tư có “bước giá” rất lớn. Thậm chí có “bước giá” cách biệt lên đến 700 tỷ đồng như lần trả giá cuối cùng của phiên đấu giá Lô 3.12, nên một số nhà đầu tư khác không thể “chen vào” trả giá được. Bước giá lịch sử đó chính là của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Cụ thể, Lô 3.12 có diện tích 10.060 m2, giá khởi điểm 2.942 tỷ đồng. Đây là lô có diện tích lớn nhất, hệ số sử dụng đất cao nhất cao nhất lên đến 8.95, cao tầng nhất (29 tầng); nhiều căn hộ nhất (570 căn); có giá khởi điểm cao nhất; bước giá 30-50 tỷ đồng và là bước giá lớn nhất trong 4 lô đấu giá. Đây cũng chính là lô có giá trúng đấu giá cao nhất lên đến 24.500 tỷ đồng gấp 8,3 lần giá khởi điểm. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt (thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Trong giai đoạn đầu của phiên đấu giá đã có 8 nhà đầu tư tham gia trả giá với giá đầu tiên là 3.000 tỷ đồng. Đến lần trả giá thứ 5 với mức giá 8.800 tỷ đồng thì đã có 4 nhà đầu tư dừng lại, còn lại 4 nhà đầu tư. Đến lần trả giá thứ 30 với mức giá 13.200 tỷ đồng thì nhà đầu tư số 11 dừng trả giá, chỉ còn lại 03 nhà đầu tư. Đến lần trả giá thứ 49 với mức giá 18.050 tỷ đồng thì nhà đầu tư số 4 dừng trả giá và chỉ còn lại 02 nhà đầu tư. 2 nhà đầu tư này tiếp tục trả giá thêm 21 lần nữa thì mới “chốt giá” và xác định nhà đầu tư trúng đấu giá. Như vậy, lô này đã trải qua 70 lần trả giá. Giá trúng đấu giá là 24.500 tỷ đồng, tính ra đơn giá 2,43 tỷ đồng/m2 đất ở.
"Ngay cả một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn tham giá đấu giá nhưng cũng “không kịp” trả giá lần nào, trong lúc có Công ty trúng đấu giá chỉ là doanh nghiệp tầm trung hoặc mới thành lập được một vài năm, thậm chí vừa mới thành lập"- ông Châu nhận định.
Tác giả bài viết: Hà Khanh - Lê Quân
Nguồn tin: https://thanhnien.vn