Theo sao lục bản họa đồ vị trí đất vào ngày 10/9/1974 và trích lục địa bộ ngày 21/10/1975, tổng diện tích đất của chùa Bửu Phong là 99.060m2 do Ty Điền địa Biên Hòa cấp.
Năm 1975, ông Phạm Văn Lương, cựu Chủ tịch UBND xã Bửu Long (nay là phường Bửu Long) TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã thu hồi 32.163m2 đất tại núi Bửu Long chia cho 14 hộ dân, trong khi đó diện tích đất đang được nhà chùa trồng cây ăn trái. Vụ thu hồi đất trên đã làm người dân cùng nhiều chức sắc, phật tử bức xúc kéo dài nhiều năm. Người đứng đầu chùa Bửu Phong, Ni trưởng Thích Nữ Huệ Hương cho biết: Ngoài 32.163m2 đất bị địa phương thu hồi, còn có thêm 23.000m2 đất thuộc nghĩa trang cùng nhiều mồ mả bị người dân xâm phạm, lấn chiếm.
Đỉnh điểm là năm 2014, một số diện tích đất trong khu vực bắt đầu bị “xẻ thịt”, mở đầu bằng việc san ủi, đục phá nhiều tảng đá lớn, nhỏ; đốn hạ nhiều cây trồng lâu năm, phá nát một phần cảnh quan góc núi Bửu Phong; rồi đến việc xây dựng nhà bất hợp pháp. Nghiêm trọng hơn, có đối tượng còn chiếm dụng phần đất nghĩa trang của nhà chùa. Số mồ mả thuộc nhà chùa quản lí bây giờ không biết ở đâu. Trong số những người san ủi đất trái phép, điển hình là bà Lê Thị Bích Nga, vợ của một cựu quan chức của tỉnh Đồng Nai từ năm 2014 về trước!
Các công trình xây dựng trái phép trên khu đất tranh chấp có nguồn gốc của chùa Bửu Phong. |
Từ những vụ việc nêu trên, ngày 19/9/2014, Ban Quản lí Di tích và Danh thắng tỉnh Đồng Nai ban hành Văn bản số 147/BQLDT, gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) tỉnh Đồng Nai nêu về việc san ủi mặt bằng trái phép tại Khu danh thắng Bửi Long. Văn bản nêu: “Khu Danh thắng Bửi Long và chùa Bửi Phong được Bộ VH, TT&DL xếp hạng di tích cấp Quốc gia, theo Quyết định số 1535/QĐ-QĐ-BVHTTDL ngày 25/4/2013; việc san ủi theo đơn phản ánh của Trụ trì chùa Bửu Phong thuộc khu vực bảo vệ II của di tích. Quá trình san ủi đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan tự nhiên di tích danh thắng Bửu Long và chùa Bửu Phong; quy mô san ủi rộng và kéo dài tới gần các hạng mục gốc của di tích như: Nhà tăng, khu vệ sinh, đường nội bộ. Chủ trì việc san ủi là bà Nga. Hiện bà Nga đang xin các cơ quan chức năng thẩm định cấp quyền sử dụng thửa đất bị san ủi nói trên và việc san ủi của bà Nga không đúng với các quy định của pháp luật về bảo tồn các giá trị di sản văn hóa”.
Xâm phạm di tích, mồ mả?
Việc tàn phá đất đai, hủy hoại môi trường, xâm phạm Khu danh thắng Bửu Long làm cho nhiều người dân vốn đã bức xúc, nay lại càng bức xúc hơn, vì họ cho rằng một số cá nhân tiếp tục xâm phạm đến đất đai, mồ mả thuộc chùa Bửu Phong quản lí.
Ngày 20/3/2019, chùa Bửu Phong tiếp tục có văn bản gửi nhiều cơ quan chức năng ở tỉnh Đồng Nai đề nghị xử lí hành vi xây dựng trái phép trên đất chùa Bửu Phong. Ni trưởng Thích Nữ Huệ Hương bức xúc: “Trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3/2019, có người tên là Trần Thị Thu Mai tiếp tục cho người san ủi trái phép đất, tự ý cho người bốc 2 ngôi mộ cổ trên đất của chùa Bửu Phong và hiện hài cốt của 2 ngôi mộ này không biết ở đâu”. Cũng theo Ni trưởng Thích Nữ Huệ Hương, một phần đất có nguồn gốc của chùa Bửu Phong được người dân sang nhượng bất hợp pháp cho bà Nga, rồi bà Nga tiếp tục sang nhượng trái pháp luật cho bà Mai.
Để xác minh thực hư vụ việc, phóng viên Báo Người cao tuổi đã trực tiếp đến Khu danh thắng Bửu Long và chùa Bửu Phong. Hiện trường cho thấy, trước cổng chính của nhà chùa có nhiều hộ dân xây nhà ở ổn định; cạnh đó có một thửa đất rộng khoảng gần 3 ha được san ủi sâu vào chân núi, sát vách một ngôi mộ cổ của chùa Bửu Phong, phía trước mặt tiền đã được trồng nhiều cây cảnh, giáp với đường nhựa. Bao bọc thửa đất là 4 bức tường kiên cố, đồ sộ. Trên thửa đất đã dựng nhà tiền chế cùng với đó đã trồng nhiều cây cảnh. Đây là một trong những thửa đất mà đại diện chùa Bửu Phong cho rằng, người dân đã sang nhượng bất hợp pháp và lấn chiếm, xâm phạm đến mồ mả của nhà chùa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến di tích Quốc gia.
Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch UBND phường Bửu Long cho biết: “Vùng đất nêu trên là thuộc quyền sử dụng của người dân đã canh tác từ lâu nay; việc san lấp đó không phải do chính quyền, mà có lẽ do người dân tự san lấp. Khu đất đó thuộc khu vực vành đai Di tích Quốc gia. Cho đến nay, Nhà nước chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân nào, ngoài việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng hơn 4 ha cho chùa Bửu Phong”.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, ngày 21/3/2018, Chủ tịch UBND phường Bửu Long, đồng ý chấp thuận đơn xin xây dựng hàng rào và mở đường vào lô đất mà các hộ dân và chùa Bửu Phong đang tranh chấp(!?). Bên cạnh đó, ông Trần Văn Ninh, Giám đốc Trung tâm văn miếu Trấn Biên, trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai chấp thuận cho bà Mai mở đường vào Khu văn miếu(?!).
Để giữ nghiêm kỉ cương pháp luật, Báo Người cao tuổi đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở tỉnh Đồng Nai nhanh chóng giải quyết dứt điểm những vụ việc xâm phạm đến Khu di tích Bửu Long nói chung và chùa Bửu Phong nói riêng.
Tác giả bài viết: Công Trình
Nguồn tin: https://ngaymoionline.com.vn