Người 4 tỉnh thành 'vùng đỏ' không ra khỏi khu vực, vì sao?

 Admin    Thứ ba - 28/09/2021 22:31
Nhiều nơi kiến nghị Chính phủ cần có chỉ thị yêu cầu sau ngày 30-9, không để người dân từ 4 tỉnh thành là TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai tự phát đi về các địa phương.
Người 4 tỉnh thành 'vùng đỏ' không ra khỏi khu vực, vì sao?

 

Người 4 tỉnh thành vùng đỏ không ra khỏi khu vực, vì sao? - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng kiểm tra giấy tờ người dân đi từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây tại cửa ngõ giáp ranh TP.HCM - Long An, một số người bị yêu cầu quay đầu xe trở lại TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN

Đề xuất trên được đưa ra tại cuộc họp khẩn giữa Tổ công tác đặc biệt với các tỉnh do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, ngày 28-9. 

Cuộc làm việc diễn ra khi nhiều tỉnh thành ở miền Nam và Tây Nguyên lo ngại nếu sau ngày 30-9, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An mở cửa dần sẽ tạo ra làn sóng người dân tự phát về quê, tạo nên nguy cơ lây lan dịch bệnh cho các tỉnh.

2,1 triệu người mong được về quê

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết theo thống kê, hiện có 3,5 triệu người các tỉnh thành trong cả nước đang làm việc tại TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Trong đó có 2,1 triệu người đang có nguyện vọng về quê.

Theo ông Hùng, hiện các tỉnh khác tỉ lệ tiêm chủng COVID-19 toàn dân còn rất thấp, nếu không kiểm soát việc người dân đi lại sẽ có nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

Ông dẫn chứng kinh nghiệm khi TP.HCM công bố gia hạn các đợt giãn cách đã có hàng trăm nghìn người về quê, trong số đó đã có người đưa dịch về các tỉnh.

Bộ Công an đề nghị Thủ tướng chỉ đạo 4 tỉnh thành nắm chắc từng người dân có nguyện vọng về quê để vận động ở lại. Khi người dân ở lại phải cam kết tiêm vắc xin, miễn, giảm tiền nhà trọ, chi phí sinh hoạt cũng như hỗ trợ việc làm để tạo thu nhập cho người dân yên tâm ở lại. 

Khuyến khích doanh nghiệp đón người dân từ các tỉnh quay lại TP làm việc. Lãnh đạo các địa phương khác chỉ đạo công an, quân đội phát hiện sớm các đội nhóm kêu gọi người dân về quê tự phát để xử lý.

Đồng thời lãnh đạo Bộ Công an cũng cho rằng cần có tiêu chí, kế hoạch công khai việc đón công dân về, trong đó tập trung cho người già, phụ nữ có thai, trẻ em, người yếu thế. 

"Nếu chỉ nói đón mà không công khai thì người dân không tin và sẽ tự phát đi về", ông Hùng nói và lưu ý các tỉnh thống nhất việc xử lý tình huống người dân tập trung đông tại các điểm chốt, cơ quan chức năng không xử lý cứng nhắc dẫn đến sự đối đầu không cần thiết.

Nới lỏng bên trong, kiểm soát chặt ra ngoài "vùng đỏ"

Đại diện Bộ Y tế cho biết thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế dồn lượng vắc xin COVID-19 phân bổ cho TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, trong khi nhiều tỉnh khác tỉ lệ tiêm vắc xin còn thấp, nguy cơ lây nhiễm còn cao. 

Do đó phải kiểm soát việc đi lại của người dân ở TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai về các tỉnh thành. Kể cả những người được về cũng phải cách ly nghiêm ngặt theo quy định.

Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thống nhất kiến nghị của các tỉnh, các ngành. Nguyên tắc nới lỏng dần bên trong nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ việc đi lại với các tỉnh bên ngoài. 

Riêng TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai được phép nới lỏng cho người dân đi lại trong 4 tỉnh thành. Những trường hợp thật sự phải về thì 4 tỉnh thành phối hợp chặt với các tỉnh thành khác tổ chức đưa bà con về chu đáo, có kiểm soát.

Tổ công tác cũng kiến nghị Thủ tướng tiếp tục ưu tiên phân bổ vắc xin cho TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh thành lân cận. 

Dự kiến trong 1 tháng nữa khi lượng vắc xin ưu tiên phân bổ cho các tỉnh thành trong khu vực nhiều, tăng độ phủ vắc xin để việc giao lưu qua lại thuận lợi. 

Khi tỉ lệ tiêm vắc xin của các tỉnh thành khác cao lên sẽ tạo điều kiện để người dân đi lại. Tổ công tác đặc biệt sẽ kiến nghị với Thủ tướng sớm có công văn chỉ đạo cụ thể.

* Vừa qua Cà Mau tổ chức đón 400 người dân của tỉnh ở TP.HCM và các nơi về quê. Dù vậy hằng ngày có nhiều người tự về quê gây khó khăn kiểm soát dịch. Nhân vật lực y tế của Cà Mau kém hơn nhiều tỉnh, đến nay toàn tỉnh mới có 13% dân số tiêm mũi 1, chỉ 5,2% tiêm đủ 2 mũi, nếu sắp tới người dân được tự phát về quê, xảy ra lây lan dịch trong cộng đồng tỉnh sẽ chịu không nổi.

Vì vậy Cà Mau đề nghị Chính phủ không để dân về tự phát, nếu về phải được tỉnh tổ chức căn cứ trên năng lực tiếp nhận người cách ly của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải

* Phải có tiếp cận từng bước, thận trọng khi nới lỏng việc đi lại giữa các tỉnh "vùng đỏ" với các tỉnh khác. Giao lưu của người dân TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An với các tỉnh có thể nới ra nhưng phải đảm bảo an toàn. Việc đón dân từ các tỉnh thành này về quê phải tổ chức trật tự, không tự phát và tùy vào năng lực tiếp nhận cách ly của các tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường

* Long An sẽ phối hợp, hỗ trợ các tỉnh đưa người dân trở về quê trên cơ sở nếu các tỉnh đón nhận và tổ chức chặt chẽ. Tuy nhiên cần phải có phương tiện, cần phải xét nghiệm, tiêm vắc xin...

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được

TP đã tổ chức 143 đợt đưa 36.000 người dân về 37 địa phương trên cả nước có kiểm soát. Sau 30-9, TP sẽ mở lại các hoạt động sản xuất, ưu tiên sản xuất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất... rất cần công nhân. TP tuyên truyền, vận động và sẽ bố trí việc làm, cũng như ưu tiên tiêm vắc xin cho người dân an tâm ở lại.

TP cũng dự thảo chương trình đón công nhân từ các tỉnh về tiếp tục tham gia khôi phục sản xuất tại TP.HCM. Trong đó xây dựng bộ tiêu chí đảm bảo an toàn cho tài xế, người đi cùng và công nhân khi về TP.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình

Nhiều người về quê bị mắc kẹt

ve que 1

Hiện còn khoảng 200 người miền Tây "mắc kẹt", phải tá túc tại Trường THPT Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh (Long An) chưa được quê nhà đón nhận về - Ảnh: S.LÂM

Tối 28-9, thông tin từ UBND huyện Tân Thạnh, Long An cho biết hiện vẫn đang có khoảng 200 người dân các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... đang mắc kẹt tại tỉnh này khi họ đi các phương tiện cá nhân theo quốc lộ N2 về nhưng bị chốt kiểm soát tỉnh Đồng Tháp (khu vực giáp ranh tỉnh Long An) không cho qua.

Trước đó từ ngày 22-9, nhiều người dân các tỉnh cũng đi trên quốc lộ N2 về quê nhưng khi bị chốt cửa ngõ chặn, họ đã được huyện Tân Thạnh (Long An) bố trí ở tạm tại Trường THPT Tân Thạnh, cung cấp thức ăn, nước uống.

Đa số những người này đều đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa COVID-19, là công nhân đã mắc kẹt nhiều tháng qua tại khu tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp giáp ranh TP.HCM.

Sau đó, Long An đã có văn bản gửi những tỉnh có người dân mắc kẹt tại đây đề nghị phối hợp đón người dân trở về, sau khi đã được Long An tổ chức xét nghiệm âm tính COVID-19.

Đến trưa 24-9, Đồng Tháp đã phối hợp, điều lực lượng cảnh sát giao thông qua đón 102 người dân tỉnh này trở về.

"Hiện tại, tỉnh Kiên Giang cũng đã phản hồi, trong ngày 29-9 sẽ đón 6 người dân từ tỉnh này trở về.

Nhưng tại điểm Trường THPT Tân Thạnh vẫn còn hơn 60 người dân Đồng Tháp, hơn 50 người dân An Giang và nhiều bà con ở một số tỉnh khác đang tá túc tạm tại các điểm quán ven đường, các trụ sở ấp... quanh khu vực đường N2" - ông Hà Thanh Chì, phó chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh, thông tin. Hiện tại, huyện Tân Thạnh vẫn hỗ trợ những người dân này thức ăn, nước uống tạm thời.

 

Tác giả bài viết: SƠN LÂM

Nguồn tin: https://tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
VGS
MXHV
THÔNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay8,128
  • Tháng hiện tại99,328
  • Tổng lượt truy cập13,707,950
THĂM DÒ Ý KIẾN

Smartphone đáng mua nhất đầu năm 2020

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây